Kể từ khi Final Fantasy VII Remake xuất hiện với màn hé lộ bùng nổ ở PSX 2015, người hâm mộ vẫn luôn mòn mỏi chờ đợi một phần remaster của Crisis Core. Thời điểm hiện tại có lẽ đã đủ chín muồi để phiên bản cập nhật cho tiền truyện kể về Zack Fair được thực hiện. Bên cạnh việc có mối liên hệ mật thiết đến cốt truyện của Final Fantasy VII Remake, băng game Crisis Core còn khá khó tìm trong những năm gần đây khiến người hâm mộ phải tìm đến các giải pháp giả lập trên máy tính.
Thực tế trên đã khiến Square Enix không thể ngồi yên và quyết định công bố Crisis Core -Final Fantasy VII- Reunion. Theo lời nhà sản xuất, đây không chỉ là một bản port đơn thuần mà nó đã được làm lại toàn bộ về đồ họa, giao diện và cả phần lồng tiếng.
“Rất nhiều điều chỉnh đã được thực hiện cho gần như toàn bộ các cắt cảnh và battle, đến mức những gì chúng tôi đã làm có thể được xem như ngang với một bản ‘remake'”, producer Mariko Sato cho biết. “Tuy nhiên vì những yếu tố cốt lõi như cốt truyện đều bám sát với nguyên bản nên chúng tôi gọi nó là ‘remaster'”.
Một câu chuyện được kể lại một cách trung thực
Trao đổi với IGN trong bài phỏng vấn gần đây, Sato-san đã bàn luận về mục đích của Square Enix với bản remaster, chỉ ra những điểm khác nhau giữa các nền tảng và liệu nó có mối liên kết nào với Rebirth hay không. Producer kỳ cựu Yoshinori Kitase cũng tham gia để hé lộ việc dự án đã được bật đèn xanh như thế nào.
Theo lời Kitase-san, Crisis Core không phải là câu trả lời cho màn hé lộ bùng nổ của Final Fantasy VII Remake. Chính thành công của Remake đã khiến Square Enix nhận ra rằng cốt truyện của toàn bộ vũ trụ Final Fantasy VII cũng cần phải được cập nhật.
“Tôi không thể chỉ ra một ngày cụ thể nào, tuy nhiên tôi có nhớ đó là giai đoạn cuối của quá trình phát triển Final Fantasy VII Remake, chúng tôi nhận ra rằng với tầm chất lượng đã đạt được với Final Fantasy VII Remake, chúng tôi có thể tạo ra thứ gì đó với những câu chuyện xoay quanh Final Fantasy VII. Đây chính là cơ hội cho Crisis Core. Đây là lúc chúng tôi quyết định nói có với phiên bản remake của trò chơi này”.
Nhìn lại lịch sử của Crisis Core thì chúng ta phải quay lại kỷ nguyên hoàng kim của PSP, khi mà người hâm mộ đang kêu gào phải remake cho Final Fantasy VII trên PlayStation 3 đi. Thiết bị cầm tay của Sony chưa thể tiệm cận với người anh em HD của mình nhưng Crisis Core vẫn là một thành tựu về công nghệ ở thời điểm đó, biến những địa điểm của tựa game gốc trở nên chi tiết hơn bao giờ hết.
Crisis Core là một game PSP tuyệt vời, không phải bàn cãi. Nó giữ lại trọn vẹn tất cả di sản mà Final Fantasy VII để lại.
Trải qua nhiều năm, game vẫn rất nổi tiếng trong cộng đồng người hâm mộ với cái kết luôn nhận được sự ngợi ca là một trong những khoảnh khắc hay nhất trong cả series. Crisis Core cũng biến Zack, người vốn rất mờ nhạt ở Final Fantasy VII, trở thành nhân vật được yêu thích. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, game vẫn bị giam cầm trong thế giới của PSP.
Cho đến khi phiên bản Reunion được công bố tháng trước, phản ứng của người hâm mộ là rất tích cực khi nhận ra những thay đổi đáng kể về mặt hình ảnh. Nhưng vẫn có những câu hỏi được đưa ra. Bản remaster (hay remake) này sẽ đi sâu tới mức nào? Và còn dàn diễn viên lồng tiếng được dẫn dắt bởi Rick Gomez, người đã thổi hồn vào Zack thì ra sao?
Đầu tiên, chắc chắn là Crisis Core sẽ có những nâng cấp nhất định. Bên cạnh những thay đổi toàn diện về đồ họa, game còn được lồng tiếng toàn bộ và cải biên lại bộ soundtrack. Gameplay cũng có những cải tiến khi các đòn tấn công liên hoàn của Zack đã có thể kết hợp lại với nhau và Limit Break thì sử dụng được ở bất kỳ lúc nào, không bị giới hạn ở hệ thống quay số (Digital Mind Wave – DMW) như trước đây.
Ngoài ra, các tài nguyên gốc cũng đã được thay thế với sự góp mặt của Unreal Engine 4 để đạt được mục tiêu “vươn đến tầm tiêu chuẩn của Final Fantasy VII Remake”, theo lời của Sato. Như vậy, phiên bản PC sẽ có thể sẽ rất ấn tượng với 120fps còn PS5 và Xbox Series X|S dừng lại ở mốc 60fps. Sato-san không đề cập đến Nintendo Switch nhưng có nhấn mạnh là nó sẽ “có những khác biệt” ở độ phân giải và tốc độ khung hình.
“Chủ đích chính của chúng tôi với tựa game này là càng nhiều người chơi tiếp cận càng tốt, ở bất kỳ nền tảng nào họ mong muốn”, Kitase-san nói. “Chúng tôi rất nóng lòng muốn xem các bạn sẽ lựa chọn hệ máy nào vì trải nghiệm sẽ là tương đồng cho tất cả”.
Nỗ lực cân bằng với Final Fantasy VII Remake không chỉ nằm ở mặt thị giác mà còn ở khâu lồng tiếng. Khi biết game sẽ được lồng tiếng toàn bộ, nhiều bình luận đã tỏ ra tiếc nuối khi không thấy Gomez cùng các thành viên của nhóm diễn viên gốc.
Về những sự đổi mới này, Kitase-san đã mô tả như sau.
“Vì Final Fantasy VII là một tựa game đã được yêu thích trong hơn 20 năm qua, chúng tôi muốn đảm bảo rằng dự án này cùng cả series remake Final Fantasy VII sẽ tiếp tục nhận được tình cảm ấy trong 20 năm tới nữa. Đó là lúc chúng tôi mời một dàn diễn viên lồng tiếng mới tham gia”.
Gomez đã bị thay thế bởi Caleb Pierce ở Final Fantasy VII Remake, nên đến Crisis Core thì mọi người cũng đã lường trước được sự tình. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn sẽ có nhiều người thấy nhớ Gomez. Nhưng cũng đừng quên là Crisis Core Reunion có sự góp mặt của Briana White, người đã vào vai Aerith rất thành công ở Final Fantasy VII Remake.
Ở những khía cạnh khác, Crisis Core Reunion sẽ bám khá sát với nguyên bản. Theo Sato-san và Kitase-san, người hâm mộ không nên kỳ vọng những nội dung mới trong cốt truyện.
“Với FFVII Remake, nó đóng vai trò như một điểm khởi đầu mới cho Final Fantasy VII, nên chúng tôi quyết định mở rộng cốt truyện ra nhiều hơn. Nhưng Crisis Core Reunion chỉ là một bản remaster và vẫn được đặt ở vị trí là câu chuyện được phát triển từ Final Fantasy VII gốc. Do đó chúng tôi không muốn đi quá xa”, Kitase-san chia sẻ.
Sato-san cũng bổ sung thêm là họ “không có kế hoạch” đưa các yếu tố mới vào trong kịch bản, đồng nghĩa với sự vắng bóng của side quest mới hoặc một số mạch truyện không có trong bản gốc. Nhưng biết đâu chúng ta lại có một đoạn after-credit để dẫn vào Final Fantasy VII Rebirth thì sao nhỉ?
The Compilation of Final Fantasy VII được tái sinh
Khi Crisis Core Reunion phát hành vào nửa cuối năm nay, theo một cách nào đó có thể coi nó là cực điểm của dự án Compilation of Final Fantasy VII vốn đã bắt đầu từ những năm 2000. Giống như phiên bản PSP, nó có mối liên hệ rất mật thiết với main game.
Lịch sử remake và remaster trong những năm gần đây của Square Enix chứng kiến sự trồi sụt thất thường, có cả xuất sắc lẫn tệ hại. Kitase-san và Sato-san không chỉ đích danh những bài học họ nhận được từ các dự án trước nhưng cũng nói rằng công ty “có lắng nghe phản hồi từ người hâm mộ”. Điều này đang được áp dụng vào trong Crisis Core Reunion khi họ thực hiện rất nhiều cải tiến vượt bậc, thay vì những bản port cẩu thả.
Quan trọng hơn, cố gắng của họ phần nào được chứng minh nhờ thành công của Final Fantasy VII Remake. Dù thế nào thì có vẻ Square Enix cũng muốn đảm bảo chất lượng của sản phẩm này.
“Tôi đã xem rất nhiều video reaction của mọi người đối với trailer công bố và cảm nhận được rằng có quá nhiều sự mong đợi tựa game này. Tôi thấy khá hài lòng”. Kitase-san phát biểu. “Chúng tôi có thể mang những thứ như thế này đến với fan hâm mộ, thật sự quá tuyệt vời”.
—–
Crisis Core -Final Fantasy VII- Reunion dự kiến phát hành vào mùa đồng năm nay (2022).