Hydaelyn là thế giới mà tựa game Final Fantasy XIV lấy bối cảnh. Tên gọi này được lấy từ Nữ thần Hydaelyn, Thạch Mẫu (The Mothercrystal), cũng là thực thể đã sáng tạo nên thế giới.
Cho đến trước khi bản mở rộng Stormblood phát hành, chỉ có phần lãnh thổ vùng Eorzea (bao gồm lục địa Aldenard và hòn đảo Vylbrand) là được hé lộ hoàn toàn. Sau này một bản đồ lớn hơn đã cho người chơi cái nhìn rõ ràng về Tam Đại Lục (Three Great Continents) mặc dù phần lớn diện tích của Ilsabard và những địa danh xa xôi như Meracydia vẫn còn là một ẩn số.
Hydaelyn được hình thành từ 3 vùng đất trong đó khu vực rộng lớn nhất chính là phần chứa đựng Tam Đại Lục. Bài viết này sẽ phân tích về vị trí, địa lý thổ nhưỡng và khí hậu của những địa danh đó.
TAM ĐẠI LỤC
Tọa lạc ở phía bắc bán cầu, trải dài từ cực bắc đến tận vành xích đạo, Tam Đại Lục gồm có Aldenard ở phía Tây, Ilsabard ở phía Bắc và trung tâm, Othard ở rìa Đông. Nơi đây rộng lớn tới mức ngay cả những con tàu buôn nhanh nhất, được hỗ trợ bởi những cơn gió thuận lợi nhất, cũng phải mất đến 2 tuần lễ để đi từ Cựu Sharlayan đến Vylbrand, và thêm 2 tuần trăng nữa mới cập bến được Doma. Truyền thuyết kể rằng Aldenard, Othard cùng Ilsabard là những người anh em. Trái tim của họ yêu mến nhau đến độ không thể tách rời đến hàng triệu thế kỷ. Tuy nhiên đến một ngày, 2 người anh Ilsabard và Othard bỗng cảm thấy ghen tị với cậu em út Aldenard vì mặc dù là người trẻ nhất nhưng lại được ban cho những vùng đất màu mỡ nhất. Trong cơn giận dữ, họ đẩy bản thân ra xa khỏi người em và nằm lại tại vị trí như ngày hôm nay. Phần tiếp giáp giữa Aldenard và Ilsabard tượng trưng cho cánh tay của người em vươn ra cố nắm lấy vạt áo người anh.
Aldenard
Nằm ở cực tây của Tam Đại Lục, Aldenard thường được gộp chung với Vylbrand, Cieldalaes và rất nhiều hòn đảo nhỏ khác hình thành nên vùng đất Eorzea. So với các nơi khác, Eorzea được cho là nơi tập trung nhiều aether nên có được một hệ sinh thái vô cùng thịnh vượng. Bị thu hút bởi đất đai màu mỡ và hệ động vật phong phú, loài người từ lâu đã hiện diện tại vùng đất này và hình thành nên rất nhiều những nền văn minh vĩ đại trong lịch sử. Tuy nhiên, sự giàu có cũng dẫn đến nhiều xung đột, những cuộc chiến tranh diễn ra liên miên khiến không ít quốc gia hùng mạnh phải sụp đổ.
Eorzea hiện nay bị chi phối bởi 4 thành bang độc lập – Gridania cai quản những khu rừng nằm sâu trong Black Shroud; Vua xứ Ul’dah trị vì ở phía nam sa mạc Thanalan; Tòa thánh Ishgard thống trị phía bắc cao nguyên Coerthas; và cuối cùng Limsa Lominsa là chủ của La Noscea, bao gồm quần đảo Tây Nam của Vylbrand và các vùng biển lân cận. Khoảng 20 năm trước, có thêm 2 thành bang đứng ngang hàng với 4 cái tên kể trên – Sharlayan và Ala Mhigo. Tuy nhiên cư dân Sharlayan, vì quá sợ hãi khi thấy Đế chế phương Bắc Garlean xâm lược Aldenard và chiếm được Ala Mhigo, nên đã rời bỏ quê hương và quay trở về Cựu Sharlayan.
Ilsabard
Nằm giữa Aldenard và Othard, lục địa Ilsabard nổi tiếng với nhiệt độ cực đoan và thời tiết thất thường. Phần lãnh thổ phía bắc nằm bên ngoài dãy núi trung tâm của Ilsabard vẫn được biết đến là có môi trường khắc nghiệt nhất Hydaelyn với dải bờ biển phải hứng chịu những trận bão khủng khiếp vào mùa hè và đóng băng hoàn toàn vào mùa đông. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nền văn minh, bắt buộc con người phải tận dụng mọi nguồn lực đơn giản chỉ để sinh tồn.
Thế nhưng, cách đây 50 năm, người dân Ilsabard đã đạt một bước tiến lớn khi nhờ tận dụng khoa học kỹ thuật cùng sự khéo léo của mình, một tiểu quốc ở phía Bắc là Garlemald đã phát triển lớn mạnh, tạo nên sự kiện về sau là dấu mốc thay đổi toàn bộ diện mạo của Tam Đại Lục – Cuộc cách mạng Magitek. Sau khi nhanh chóng thôn tính một vài đất nước láng giềng, Đế chế Garlemald bắt đầu nhóm ngó đến những miền đất ấm áp hơn. Họ xua quân vượt qua các dãy núi để tiến vào phía Nam Ilsabard – nơi mà người Eorzea thường biết đến với tên gọi Vùng Cận Đông (Near East) – chiếm đoạt mọi thứ trên đường đi cho đến khi gần như toàn bộ lục địa đều trở thành lãnh thổ của mình.
Othard
Othard, hay còn được người Tây phương gọi là Vùng Viễn Đông (Far East), là phần nhỏ nhất của Tam Đại Lục. Nó khá giống với Aldenard khi được hình thành từ nhiều khu đất đai rộng lớn và vô số hòn đảo gần bờ biển. Khác với Aldenard nằm ở sâu về phía Nam, phần đỉnh chóp đánh dấu biên giới phía Bắc với Ilsabard bị tuyết bao phủ quanh năm và khu vực phía sau gần như bị đóng băng vĩnh viễn. Từ những ngọn núi này chảy ra nguồn nước nuôi sống của Othard, hình thành nên Độc Hà (One River), con sông dài nhất, rộng lớn nhất Tam Đại Lục. Dòng sông này chảy qua đại thảo nguyên vốn là nơi sinh sống của các bộ lạc Xaela chủng tộc Au Ra, trước khi đổ vào Yanxia, vùng đất phì nhiêu, nơi mà cho đến trước cuộc xâm lược của Đế chế Garlemald, thuộc quyền kiểm soát của Vương quốc Doma.
Mặc dù có kết nối về mặt địa lý, nhưng trong hàng ngàn năm, người Ilsabard và Othard gần như có rất ít sự giao tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự hình thành của những dãy núi gần như không thể vượt qua và những hoang mạc chết chóc bịt kín tất cả mọi nẻo đường. Trong khi các thành phố ven biển có một số liên hệ ít ỏi với thế giới bên ngoài nhờ giao thương, sự cô lập của Othard đã giúp cho nền văn hóa nơi đây phát triển mà không chịu ảnh hưởng bởi phương Tây. Chỉ khoảng 2 thập niên trở lại đây mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi. Việc xuất hiện công nghệ airship đã mở toang cánh cửa đến với Vùng Viễn Đông. Tuy nhiên, phát kiến này cũng báo hiệu cho một Đế chế Garlemald đang thèm khát quyền lực về những thuộc địa mới mà họ cần chinh phục. Quả thực không mất quá nhiều thời gian để người Garlemald bắt đầu để mắt tới hai quốc gia Doma và Dalmasca.
Thavnair
Xuôi về phía Nam Ilsabard là đại dương mang tên Bounty. Với nguồn hải sản dồi dào cùng vị trí đắc địa ở trung tâm Tam Đại Lục khiến cho các nền văn minh của quần đảo Bounty phát triển rất thịnh vượng, ngay cả trong thời kỳ Kỷ Bóng Đêm.
Nổi bật nhất trong số các nền văn minh ở đây phải kể tới Radz-at-Han, nằm ở vùng đất rộng lớn nhất vùng Bounty – Thavnair. Là thành bang cổ đã có hàng nghìn năm tuổi, Radz-at-Han vốn được biết đến là nơi khai sinh ra thuật giả kim hiện đại. Có một điều khá thú vị là cho dù không có quá nhiều sức mạnh quân sự nhưng thành bang này vẫn thành công khi đạt được thỏa thuận không can thiệp với Đế chế Garlemald, đảm bảo được nền độc lập của họ trong khi các quốc gia hùng mạnh hơn đều đã gục ngã. Kết quả là Radz-at-Han vẫn giữ vị trí trung tâm buôn bán giữa Eorzea. Cũng cần phải nhớ rằng, hiệp định chỉ được hình thành với điều kiện Garlemald có thể thu nhận các hàng hóa đến từ Eorzea khi đi qua Thavnair vì giao thương giữa các khu vực đã bị chấm dứt sau cuộc xâm lăng thất bại của Đế chế 20 năm về trước.
Meracydia
Nằm ở phía Nam của Tam Đại Lục, bên kia đường xích đạo là vùng đất lớn thứ 2 của Hydaelyn – Meracydia. 5000 năm trước, vào cuối Kỷ Tinh Tú thứ Ba, Đế chế Allag, cảm thấy chưa hài lòng với việc chỉ kiểm soát được Aldenard, Ilsabard và Othard, đã tiến hành một cuộc chiến xâm lược về phía Nam mà hậu quả gây ra là gần như toàn bộ lục địa bị biến thành đất hoang. Ngày nay, nhiều khu vực vẫn không có người ở, những quần thể đã phục hồi thì sống ẩn dật và rất hiếm khi tiếp xúc với cư dân bắc bán cầu. Họ thậm chí còn tấn công bất kỳ kẻ nào dám bén mảng lại gần lãnh thổ của mình, cho dù là bằng đường biển hay đường không. Vì nguyên nhân này mà thông tin về Meracydia cực kỳ ít, kể cả những nét địa lý cơ bản nhất.
Phía Bắc Trống Rỗng
Băng qua Đỉnh Abalathia về phía bờ biển nghiêng dốc Farreach, tiếp tục vượt qua Biển Bloodbrine, chúng ta sẽ đến được Phía Bắc Trống Rỗng, đại dương hầu như không hề tồn tại hòn đảo nào, ngoại trừ 2 chuỗi lớn. Đầu tiên, ở xa nhất về cực Bắc, là quần đảo Aerslaent (“vùng đất đầu tiên” – “first land”) – quê hương của bộ tộc Sói Biển chủng tộc Roegadyn. Truyền thuyết kể rằng, chính từ những hòn đảo này, những cư dân đầu tiên của Limsa Lominsa đã giong buồm để đến với Vylbrand sau nỗ lực cướp bóc không thành ở phía Nam Biển Rhotano. Cụm đảo thứ 2 ở phía Tây là Cựu Sharlayan, quốc gia được thành lập bởi những người di cư ở những ngày đầu của Kỷ Tinh Tú thứ Sáu ở vùng nội địa Dravanian.
Nam Hải
Vùng biển ở phía Nam Eorzea với vô số những đảo nhỏ. Ngoại trừ những trận cuồng phong thỉnh thoảng mới xuất hiện, việc nằm gần xích đạo của Hydaelyn ban cho những hòn đảo này khí hậu ấm áp và dễ chịu. Chính từ đây, người lùn Lalafell được sinh ra. Họ đã sử dụng công nghệ chế tạo thuyền đôi độc đáo của mình để vượt qua đại dương mênh mông để đến với Đại Lục.
Tầm ảnh hưởng qua lại giữa Eorzea và Nam Hải là cực kỳ lớn, với hầu hết các giao dịch đều đi qua Limsa Lominsa và những bến cảng tấp nập ở đây. Các tài liệu lịch sử đều ghi chép rất rõ ràng rằng arcanima – giáo phái của những người arcanist – chính là xuất phát từ các hòn đảo nhỏ này và xâm nhập vào Vylbrand bởi những người Lalafell di cư.
Tân Thế Giới
Miền đất rộng lớn cuối cùng của Hydaelyn nằm ở tận xa về phía Tây, bên kia đại dương bao la Indigo Deep. Trước đây hầu như không có ghi chép cổ đại nào chứng minh sự tồn tại của vùng đất này. Khoảng 80 năm trước, trong giới nghiên cứu đã nổ ra những cuộc tranh cãi về việc liệu đây phải chăng chỉ là sản phẩm sáng tạo của văn chương. Cho đến khi một nhà phiêu lưu của tộc Sói Biển có tên Ketenramm Màu Xanh giong buồm từ Limsa Lominsa và đến được vùng đất mới sau hai tuần trăng di chuyển liên tục. Mặc dù Ketenramm rất nỗ lực để đặt cho địa danh này cái tên Ketenland, “Tân Thế Giới” vẫn là thuật ngữ được dùng nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ có công phát hiện, mà Ketenramm cùng các cộng sự của mình đã dành nhiều thời gian để khám phá vùng đất mới. Cuối cùng họ đến được đất nước beast tribe Mamool Ja. Ketenramm thậm chí còn được yết kiến vị vua của quốc gia này và tặng cho người đó nhiều sản vật của Eorzea. Những món quà quý hiếm này đã gây ấn tượng mạnh với nhà vua đến mức ngài tặng lại cho nhà phiêu lưu một bức tượng lớn đúc bằng bạc nguyên chất và cho phép đoàn của ông được tự do đi lại trên lãnh thổ. Ketenramm tận dụng cơ hội này vừa vẽ lại bản đồ của toàn miền, đồng thời thu thập những loại rau và hạt giống để mang về Limsa Lominsa. Rất nhiều món ăn thời nay ở Eorzea như bí ngô orge, cà chua ruby, khoai tây hay đậu cá sấu có nguồn gốc từ Tân Thế Giới.
Trở ngại về khoảng cách gây ra nhiều khó khăn cho quan hệ của Eorzea và Tân Thế Giới, tuy nhiên những năm gần đây người ta được thấy rất nhiều lính đánh thuê Mamool Ja di chuyển sang vùng đất phương đông để tìm kiếm cơ hội làm ăn.