Nằm trong chiến dịch kỉ niệm 30 năm tượng đài Final Fantasy, Dissidia Final Fantasy NT là tựa game mới nhất trong đại gia đình vừa được ra mắt trên toàn thế giới đầu năm nay.
Điều đầu tiên cần nói NT nghĩa là gì? Theo như giải thích của Square Enix, NT là “New Tale”, “New Tournament”, “New Trial” hoặc theo người viết hiểu NT là viết ngược của “Ninja Team” đội ngũ sản xuất phiên bản Dissidia lần này.
Là phiên thứ 3 của nhánh spinoff Dissidia, tương tự như 2 người đàn anh trước, NT quy tụ dàn sao gần 30 chính diện – phản diện từ 15 phiên bản đánh số, thêm vào đó là sự tham gia của các tân binh đến từ các tựa game phụ như Final Fantasy Tactics, Final Fantasy Type-0. Các nhân vật được tập hợp lại và chiến đấu với nhau trong môi trường đối kháng 3D. Hãy cùng với FFFCVN đi sâu vào bài đánh giá mới nhất về tựa game vừa được ra mắt này.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Team Ninja
- Phát hành: Square Enix
- Thể loại: Đối kháng
- Ngày ra mắt: 31/01/2018
- Hệ máy: PlayStation 4
Cốt Truyện
(Cảnh báo spoiler nếu bạn chưa chơi game)
Sau trận chiến cuối cùng với Chaos ở vòng lặp thứ 13, tưởng rằng mọi chuyện đã đi vào hồi kết khi các anh hùng cầm trên tay viên crystal trở về thế giới gốc của chính mình. Nhưng một lần nữa họ lại được triệu tập về cùng một nơi, cùng một thời điểm…
Mở đầu game là cái nhìn bao quát về World B, nay được cai quản bởi 2 vị thần mới Materia và Spiritus. Dissidia gần như là phiên bản “Avengers” của dòng Final Fantasy, không ngạc nhiên cho lắm khi nhân vật chính Noctis từ phiên bản mới nhất Final Fantasy XV xuất hiện ở những cảnh đầu. Đang ngồi nghỉ trên chiếc xe RHS-113, cậu vô tình bị mang đến một nơi vô cùng xa lạ, cảm giác bối rối và lo lắng khi ở một thế giới không hề quen biết…
Noctis được triệu tập
Square Enix rất thích đặt các tình huống trớ trêu cho nhân vật chính của Final Fantasy XV khi đây là lần thứ 2 cậu bị cuốn vào cuộc chiến mà bản thân mình không hề chuẩn bị trước. Cảnh Lightning và Warrior of Light gặp lại nhau, qua vài lời thoại mà người viết cảm thấy khá “ấm lòng”, vì các chiến binh vẫn nhớ rằng họ từng là đồng đội cũ sát cánh bên nhau. Nhà sản xuất đã lựa chọn hướng phát triển cốt truyện NT là nối tiếp của 2 phiên bản đầu. Giờ đây các anh hùng của chúng ta không những mang ký ức từ các vòng chiến trước mà có cả ký ức từ thế giới gốc riêng của từng người. Điều này làm tăng sự hấp dẫn cho các câu đối đáp của nhân vật. Có lại trí nhớ đồng nghĩa với sự chững chạc trong cách nói chuyện. Ví dụ tiêu biểu nhất là Terra và Cloud. Đây vốn là 2 nhân vật có nội tâm u buồn và thiếu sự tự tin trong lời thoại về story, battle. Đến với NT, hẳn nhiều người sẽ rất ấn tượng với câu nói của Terra khi bước vào trận đấu: “The battle will be finished before you know it” , tạm dịch: “Trận đấu sẽ kết thúc trước khi ngươi kịp nhận ra”.
Trở lại với mạch truyện chính, dàn anh hùng lần đầu hội kiến Materia, nữ thần có trang phục tệ hại và hiểu biết gần như bằng không. Cô giải thích qua loa về lý do triệu tập các chiến binh, cầu xin họ sự trợ giúp nhưng vô cùng gượng ép. Materia cũng không thể hiện được sự tôn nghiêm và chất “thần” của riêng minh, sự bất phục từ các nhân vật như Lightning, Shantotto thể hiện rõ điều đó. Đối trọng với Materia là Spiritus, vị thần có dáng vẻ hung bạo và hiếu chiến, cùng thêm đôi chút hiểu biết về thế giới hơn Materi.
Kịch bản có sự phân nhánh từ đây. Khác với 2 phần cũ story đi theo từng nhân vật riêng, còn đối với NT, tựa game tập trung vào từng đội nhóm. Là một game crossover, việc các nhân vật yêu thích của mình gặp mặt và đồng hành luôn luôn là một điều thú vị. Những cảnh phim và đối thoại mang tính chất hoài niệm xuất hiện khá nhiều, đơn cử như cảnh đập tay giữa 2 cha con Jecht – Tidus; tính cách hồn nhiên nhí nhảnh của Terra và ánh mắt của cô về phía Squall khi cậu ko thèm để ý làm liên tưởng đến mối quan hệ của Rinoa và Squall trong Final Fantasy VIII; và nếu tinh ý hơn nữa bạn sẽ nhận ra bộ 3 Onion Knight, Vaan và Y’stola đồng hành cùng nhau ko phải là một sự ngẫu nhiên khi cả 3 tựa game Final Fantasy III Remake, Final Fantasy XII và Final Fantasy XIV có cùng 1 người thiết kế nhân vật là Akihiko Yoshida. Ấn tượng nhất với người viết đó chính là Shantotto. Phải chăng là nhân vật vốn ở tựa game online Final Fantasy XI không quá nổi tiếng với đa số fan, nên Square Enix có chút thiên vị khi “phù thủy tí hon” có khá nhiều đất diễn và lời thoại thú vị, hài hước. Màn khẩu chiến vô cùng đanh đá giữa 2 bà già Shantoto – Ultimecia là điểm nhấn lớn nhất trong hội thoại!
Summon, yếu tố không thể thiếu trong bất kì câu chuyện nào về Final Fantasy, trở lại lần này để thử thách khả năng và quyết tâm bảo vệ thế giới của đội ngũ anh hùng. Terra mang trong mình 1 nửa dòng máu Esper (trong Final Fantasy VI, Esper là tên gọi riêng của Summon), cô có thể cảm nhận được vị trí hiện hữu của các thần thú triệu hồi. Có tổng cộng 7 summon trong game với các cái tên quen thuộc như Odin, Ramuh, Ifrit,… Square Enix cũng rất khéo léo khi sắp xếp trận đấu với các nhân vật trong nhóm có liên hệ với summon ở tựa game gốc, ví dụ như Zidane, Kuja cùng chiến tuyến chiến đấu với bức tường thành khổng lồ Alexander, hay Noctis và Warrior of Light chiến đấu với Bahamut.
Cốt truyện dần được vén màn bí mật khi các nhân vật nhận ra kẻ thù chính tại thế giới này chính là Shinryu, con rồng đứng sau mọi vòng chiến trước, mục đích của Shinryu là hấp thụ sức mạnh từ World B và tiêu diệt thế giới.
Cảnh chiến đấu chớp nhoáng giữa Lightning và Sephiroth
Lần đầu tiên trong lịch sử, các anh hùng cùng phản diện đứng cùng một chiến tuyến chống lại kẻ thù chung. Trận quyết đấu mở màn giữa 2 phe nhằm dụ Shinryu xuất hiện để tất cả có thể tiêu diệt nó một lần và mãi mãi. Kết thúc story ta sẽ được xem một đoạn after credit; khi tất cả nhân vật trở lại thế giới gốc, họ để lại ký ức lẫn ảo ảnh của mình cho 2 vị thần Spiritus – Materia và từ đây vòng chiến dai dẳng tiếp tục…
Kết thúc Spoiler
Là một tựa game đối kháng có mác thương hiệu Final Fantasy, người chơi rất trông chờ vào story. Nhưng thật đáng tiếc khi SE thông báo rằng họ không tập trung vào cốt truyện. Với thời lượng cắt cảnh vỏn vẹn hơn 1h, cảm giác thiếu hụt và chưa thỏa mãn là thứ không thể tránh khỏi. Một số nhân vật có đất diễn, tỏa sáng hơn nhiều nhân vật khác, thậm chí với những nhân vật mà nhiều fan yêu mến có quá ít lời thoại, không có vai trò trong story hoặc không hề tồn tại như Kain, Ramza, Ace… Tuy vậy game vẫn có những màn đối thoại hài hước, tính cách nhân vật được miêu tả rõ và phong thái tự tin trước trận đấu là ưu điểm lớn nhất trong story. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến cảnh CGI combat hoành tráng do đội ngũ quen thuộc Visual Work thực hiện, họ đã làm rất tốt công việc của mình và có lẽ không ngoa nếu nói rằng cảnh cinematic trong NT là một trong những thước phim hay nhất họ từng làm.
Gameplay và các chế độ chơi
Battle system
Một trong những thay đổi lớn nhất so với 2 bậc đàn anh trước là hệ thống chiến đấu 3 vs 3, các nhân vật được xếp thành 4 nhóm Vanguard , Assassin, Marksmen và Speciallist. Tương đồng với lối chơi của thể loại game MOBA, mỗi class đều có ưu nhược điểm khác nhau.
– Vanguard gồm nhân vật có sức tấn công mạnh, có lợi thế khi cận chiến gần nhưng có nhược điểm ở tầm xa.
– Assassin có tốc độ di chuyển, ra đòn nhanh và chớp nhoáng nhưng lại có sức tấn công không cao.
– Marksmen sử dụng phép thuật để tấn công tầm xa, yếu khi áp sát cận chiến.
– Speciallist là class đặc biệt nhất khi có kỹ năng riêng ko nằm trong 3 nhóm trên…
Nếu bạn là fan của Dissidia, hệ thống chiến đấu trong NT ko có nhiều sự thay đổi lớn. Trong game có 2 loại kỹ năng tấn công chính Bravery Attack và HP Attack, sử dụng Bravery Atk để tăng điểm Bravery Point, HP Atk để kết thúc, số lượng HP đối phương mất đi trùng với số Bravery Point ta có. Trung bình mỗi nhân vật sẽ có 7 Bravery Atk gồm 3 Ground Atk (tấn công mặt đất), 3 Air Atk (tấn công trên không trung), 1 Dash Atk (lướt đi) nhưng với số lượng nhân vật lên đến con số 28; rất nhiều thành viên có gimmick riêng cùng kỹ năng đòn đánh khác nhau. Ví dụ Lightning sử dụng Paradigm Shift có thể chuyển qua lại Commando và Ravager khi ấn L3; Sephiroth có kĩ năng độc quyền Dash Cancer sau Hit Combo cuối cùng của đòn đánh, ấn Dash + R1 đúng lúc sẽ dash nhanh hơn so với bình thường…
Để tránh tình trạng người chơi spam HP Atk đồng thời giảm độ phức tạp, hỗn loạn với số lượng chiêu thức cùng hiệu ứng màu sắc sặc sỡ, game giới hạn mỗi thành viên chỉ có thể sử dụng duy nhất 1 Atk (HP Atk dùng chung cho cả dưới mặt đất, trên không) trong 1 trận đấu.
Trường hợp đặc biệt nhất trong game là Vaan được phép trang bị 2 HP Atk (trong 6 HP Atk) nhưng bù lại đây lại là nhân vật chỉ có 5 Bravery Atk, ít nhất so với dàn char còn lại.
Tính năng dash quay trở lại, thuận tiện và dễ sử dụng hơn khi giữ R1 để dash thẳng tới đối phương hoặc giữ R1 + analog trái để dash tự do. Thanh dash gauge là 1 bổ sung mới. Khi thanh này hết, nhân vật sẽ dừng di chuyển và rơi xuống đất. Người chơi phải có sự tính toán khi sử dụng dash, sẽ rất hữu dụng để tránh được đòn magic tấn công nhanh khi bạn có thể dash sang 2 hướng trái phải né tránh, thật là thảm họa khi không chú ý đến thanh gauge đúng thời điểm cạn và bạn đành rơi xuống đất bất lực nhìn nhân vật trúng đòn. Và có một lưu ý khi dash không còn tự đồng phản đòn magic yếu, yếu tố giúp nhóm class Marksmen không quá lép vế trước các nhân vật cận chiến.
Thay đổi bất ngờ nhất làm nhiều người chơi Dissidia cảm thấy bỡ ngỡ là chức năng Guard (đỡ đòn) và Dodge (tránh đòn). Với đại đa số người chơi, việc sử dụng dodge phòng thủ sau mỗi tình huống đã đi sâu vào tiềm thức không thể quên. Đánh 1 đòn trượt, dodge, đánh, dodge,… Dodge là kĩ năng được sử dụng nhiều nhất vì tính an toàn, dễ thi triển. Trong NT kĩ năng này đã được chỉnh sửa, dodge đã bị loại bỏ iframe (khoảng thời gian bất tử), đồng thời tăng thời gian delay giữa các lần dodge, người chơi cần phải căn thời gian chính xác để tránh đòn tấn công, có thể dodge ra hướng ngang nhưng không còn dodge lên trên cao. Kĩ năng guard có sự cải tiến, không còn tạo ra hiệu ứng stagger (gây choáng đối phương) khi guard thành công, guard shield (một dạng độ bền phòng thủ) trong NT bị phá vỡ sau 1 loạt đòn công liên tiếp hoặc khi giữ guard quá lâu dẫn đến trạng weak shield. Có thể nhận ra trạng thái shield qua 3 màu sắc từ vững chắc đến yếu: Xanh – Vàng – Đỏ.
Guard có thể chuyển nhanh qua dodge tùy vào tình huống, ngoài ra khi trên không, sử dụng guard giúp nhân vật hạ xuống đất mau chóng hơn và tránh được các đòn tấn công theo chiều ngang.
Combo Fire – Army of One – Thunderfall của Lightning
Game giới thiệu kỹ năng Ex-Skill thay thế cho ExBurst. Mỗi nhân vật sở hữu 3 Ex-Skill trong trận đấu. 1 ô Ex-Skill mang tính chất độc quyền dành riêng cho từng nhân vật như Trance của Terra làm tăng khoảng cách bắn, Cloud có Limit Break giúp giảm thời gian hồi kỹ năng,… 2 Ex-Skill còn lại bạn được tự do lắp đặt và sử dụng tùy thuộc vào chiến thuật như HP Regen giúp hồi phục 25HP/s hoặc Teleport giúp dịch chuyển sang gần 1 đối tượng khác…
Jump cũng trở lại, hữu ích khi dùng để nhảy né các đòn đánh thẳng và làm đối phương bất ngờ. Các nhân vật có thể Double Jump (nhảy 2 lần), ngoại lệ là các char thuộc class Assassin được Triple Jump (nhảy 3 lần liên tiếp).
Phiên bản Arcade phát hành riêng cho thị trường nội địa Nhật, khi đấy giao diện người sử dụng được thiết kế riêng phục vụ đối tượng người chơi máy thùng. Phải sang đến E3 2017, Square Enix mới chính thức đưa tựa game ra ngoài thế giới. Ban đầu demo sử dụng giao diện HUD cũ và bị fan chỉ trích, phàn nàn khá nhiều. Tiếp thu ý kiến từ người hâm mộ, Square Enix cho phép người chơi lựa chọn giao diện HUD mới có tầm nhìn thông thoáng hơn, bớt tràn ngập thông tin.
Cũng tương tự các tựa game 3D Team Fighting (đối kháng theo tổ đội) khác, giao diện có thông tin chi tiết trạng thái của người chơi, đồng đội và kẻ địch. Một radar nhỏ đặt ở góc trên bên phải để nắm bắt tình hình các mục tiêu, đồng đội ở xa. Mỗi đội chia sẻ 1 thanh HP, 1 người chơi bị tiêu diệt sẽ trừ đi 1 ô HP. Thanh Summon được sạc mỗi lần người chơi tấn công đối phương hoặc Crystal. Thời gian triệu hồi tùy thuộc vào thời điểm các thành viên trong đội nhấn nút touchpad. Summon sẽ được triệu hồi ngay lập tức nếu cả 3 thành viên nhấn cùng thời điểm. Không như Summon ở phiên bản PSP vốn chỉ là 1 bức hình minh họa khi triệu tập, Summon trong NT xuất hiện ngay trong bản đồ trận đấu với những đòn đánh đầy uy lực phá hủy phòng thủ (Guard Break), loại trừ Bravery Point về 0 nhưng không gây trạng thái Break hay HP Atk. Summon tuy mạnh nhưng không có nghĩa autowin khi sử dụng, người chơi cần nắm rõ kỹ năng của Summon để tìm cách né tránh đúng thời điểm.
Blue Link trên đầu nhân vật để giúp người chơi nhận biết ai đang khóa mục tiêu vào mình, đòn tấn công đến sẽ làm Blue Link chuyển sang đỏ, 1 tính năng khá hữu dụng để phản xạ từ điểm mù sau lưng.
Chế độ chơi:
Dissidia Final Fantasy NT có các chế độ chơi như story mode, online mode và offline mode. Tựa game có thể sẽ khiến bạn thất vọng hoặc hài lòng tùy thuộc vào cách bạn tiếp cận game.
Story mode (Chơi theo cốt truyện):
Nếu là 1 fan của Story Mode trong Dissidia, thì đành chia buồn với bạn khi game đã loại bỏ hầu hết tính năng tùy biến trong thể loại RPG bao gồm trang bị, phụ kiện,… nhằm đảm bảo tính cân bằng.
Story Mode thiết lập sẵn 1 số lượng trận đấu nhất định nhưng phần lớn là các đoạn cắt cảnh. Để mở khóa các hoạt cảnh hay trận đấu, bạn cần đến điểm Memoria để mở khóa các ô trong Story Mode. Mỗi lần lên cấp hoặc sau 1 trận thắng ở các chế độ Offline Gauntlet Mode/Online Multiplayer nhân vật bạn nhận được một Memoria.
Tổng cộng 57 ô panel trong Sory Mode cần mở khóa. Một số panel có điểu kiện bắt buộc phải là mở khóa ô trước đó, một số khác yêu cầu nhiều điểm Memoria mở khóa hơn và có những panel kết nối theo nhóm. Có 2 loại ô panel là Blue Cutscene (Xanh) và Red Battle (Đỏ). Loại xanh để xem cắt cảnh và mở khóa ô panel đằng sau. Loại panel đỏ đưa người chơi vào các trận đấu để mở khóa ô sau đó. Battle Panel có 2 dạng: Standard Battle hoặc Summon Battle. Phần lớn trong Summon Battle, bạn được chọn 1 trong 3 thành viên trong nhóm sắp đặt sẵn. Các trận đấu summon không hề dễ dàng và yêu cầu kĩ năng rất lớn từ người chơi. Giống như mọi trận đấu thông thường, ta cần tấn công cho đến khi lượng HP của trùm trở về 0, nhưng summon có trạng thái chống HP Atk nếu điểm Bravery của nhân vật chưa đạt đến ngưỡng max 9999. Người chơi có 3 mạng trong trận và 2 đồng đội AI không liên quan đến số lần đếm mạng này.
Offline Mode: Chia thành 2 chế độ Gauntlet Mode và Sparring Mode
Gauntlet Mode tương tự Arcade Mode của các game đối kháng thông thường. Ta sắp xếp đội với 1 nhân vật điều khiển cùng 2 nhân vật AI còn lại trong chuỗi trận liên tiếp. Gauntlet Mode bổ sung Core Battle là một chế độ mới lạ có cách chơi giống game MOBA. Luật chơi khá đơn giản khi 2 đội chỉ cần tìm cách tiêu diệt crystal của đối phương. Core Battle là chế độ có rất nhiều tính chiến thuật, để tấn công crystal buộc phải đánh bật đối phương ra khỏi vùng zone, khi phòng thủ gần crystal người chơi sẽ không lo bị thiệt hại. Có thể nói đây một mode hay nhưng thật đáng tiếc nhà sản xuất lại không hỗ trợ online.
Sparring Mode là phần chơi đổi gió với các tùy chỉnh 1 vs 1, 1 vs 2,… nếu như bạn đã chán với các trận đấu offline theo nhóm 3 vs 3.
Online Mode:
- Rank Match (solo): chế độ online với 1 phòng 6 người ngẫu nhiên.
- Rank Match (party): hỗ trợ mời bạn bè tham gia tổ đội của bạn và chiến đấu với người chơi ngẫu nhiên khác.
- Custom Match: phòng chơi với tất cả bạn bè, hỗ trợ tối đa 24 người.
Online Mode sử dụng hình thức kết nối peer to peer mà không hề có server, chỉ cần 1 người chơi có đường truyền mạng không ổn định sẽ làm cả trận đấu bị ảnh hưởng như lag, disconnect. Ngoài chế độ Custom Match với bạn bè, các chế độ khác không hề có lobby (sảnh chờ xếp hàng cho người chơi), việc tìm kiếm ngẫu nhiên với thời gian lâu dài đôi lúc gây ức chế.
PvP Mode tỏ ra hấp dẫn nhất khi kết nối không có vấn đề, chiến đấu cùng người chơi khác luôn là điều người viết trông đợi kể từ phiên bản Dissidia đầu tiên (vốn chỉ hỗ trợ kết nối adhoc). Kết hợp combo giữa 2 người chơi hoặc cứu đồng đội đang nguy kịch, sử dụng thông điệp chat để kêu gọi hỗ trợ khi bị Wall Rush (dồn vào góc bản đồ),… Mọi thứ diễn ra vô cùng chớp nhoáng và yếu tố đồng đội là chìa khóa để giành chiến thắng, dù giỏi đến đâu 1 mình bạn cũng không thể đánh bại được số đông.
Thành quả sau mỗi trận đấu:
Chơi càng nhiều trận ở các chế độ Gauntlet, Online Mode thì nhân vật bạn càng lên cấp cao hơn, nhận được số lượng Gil nhất định và phần thưởng Treasure (kho báu). Tựa game có hàng đống thứ cho bạn mua và mở khóa, sẽ tốn hàng chục giờ đồng hồ để unlock hết tất cả trang phục, âm nhạc,…
Gil, loại tiền tệ quá quen thuộc của dòng Final Fantasy, được sử dụng trong shop để mua trang phục, nhạc nền battle, icon,…
Treasure tương tụ với hình thức máy quay xổ số, bạn mở ngẫu nhiên ra các vật phẩm có trong shop, tất cả đều là random và may mắn. Phần thưởng mở ra có thể là một vài vật phẩm có giá trị Gil vô cùng đắt đỏ.
Sàn đấu:
Có tổng cộng 14 sàn đấu (stage) trong game, tất cả đều là địa điểm quen thuộc trong dòng mainline Final Fantasy như Cornelia (Final Fantasy) đến Porta Decumana trong (Final Fantasy XIV). Các Stage đều khá rộng và thông thoáng giúp người chơi có góc nhìn bao quát tốt. Camera được bố trí hợp lý khi nhân vật bị ép góc, dính tường, thêm việc giới hạn độ cao trong battle, người chơi không còn gặp phải các tình huống camera “trốn” sau tường của 2 tựa game cũ. Ngoài ra bạn có thể trèo lên 1 số chướng ngại vật bằng cách giữ R1+X, khi ở các vị trí trên cao thì các đòn đánh xuống dưới như Cloud Braver vô cùng lợi thế, đây là 1 thủ thuật hay được dùng trong các giải đấu.
Đồ họa và âm nhạc
Team Ninja Koei Techmo chịu trách nhiệm phát triển tựa game, họ đã không làm thất vọng fan khi đưa các nhân vật Final Fantasy thời kì classic, PlayStation 1 lên nền đồ họa HD. Model nhân vật khá đẹp cùng độ chi tiết cao trên mái tóc, trang phục,…. Game chạy mượt mà ở 60fps trên độ phân giải FullHD 1080p, với nhiều hiệu ứng skill tràn ngập khắp màn hình nhưng không hề có hiện tượng sụt giảm khung hình.
Âm nhạc được sáng tác bởi nhạc sĩ quen thuộc Takeharu Ishimoto, ông chịu trách nhiệm phối lại các bản nhạc trong toàn bộ main series cùng với trong Type-0, Tactics. Ngoài ra còn có các bản nhạc chủ đề riêng đậm chất hùng tráng chỉ có ở Dissidia. Không chỉ các tác phẩm được remix lại như “Trisection” từ Final Fantasy Tactics, “Let the battle begin” từ Final Fantasy VII cho đến “Stand your ground” của Final Fantasy XV,… các phiên bản gốc cũng được đưa vào để người chơi tự do lựa chọn trong battle music track. Là tựa game cuối cùng trước khi rời công ty, Takeharu Ishimoto đặt khá nhiều tâm huyết vào trong game, ông thực sự hoàn thành tốt vai trò của mình với những bản nhạc ấn tượng.
Hỗ trợ từ nhà sản xuất hậu phát hành
Square Enix thông báo 6 nhân vật mới nằm trong gói season pass DLC sẽ được ra mắt trong năm 2018, thêm vào đó là các bản vá update bổ sung bản đồ, cân bằng gameplay v.v… Người chơi có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề hỗ trợ lâu dài sau này.
Tổng kết
Dissidia là series spin-off khá thành công của Final Fantasy, có cho mình một cộng đồng người chơi khá lớn. Với NT, Square Enix cùng Team Ninja Koei Techmo đã rất nỗ lực để làm mới dòng game này.
Nếu bạn là người hâm mộ Final Fantasy, yêu thích game hành động và “nghiện” lối chơi của Dissidia , tựa game này chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng với những thay đổi mới mẻ. Nhưng nếu là người chỉ muốn trải nghiệm 1 sản phầm mạnh về chơi đơn, cốt truyện và nhiều yếu tố nhập vai, bạn sẽ khá thất vọng đấy.
- Cốt truyện 6
- Hình ảnh 8
- Âm nhạc 9
- Gameplay 7