Đôi nét về Final Fantasy XII The Zodiac Age: Khác biệt và nhiều thú vị

Đối với các fan của series Final Fantasy ở thời điểm hiện tại, khi mà Final Fantasy X/X-2 (FFX/X-2) đã quá nổi tiếng và trở thành tượng đài lớn cộng thêm việc được phát hành bản HD Remastergần đây với đồ họa đẹp hơn lại càng củng cố thêm vị thế của nó, cùng với bộ ba phần của Final Fantasy XIII (FFXII Triology) Final Fantasy XV (FFXV) vẫn còn đang rất hot nên mọi chủ đề thảo luận và chú ý đều dồn về những tựa game này, số lượng người chơi cũng sẽ nhiều hơn, dẫn đến một số tựa game khác ít được quan tâm đến dù vẫn rất chất lượng. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bàn tới một trò chơi như thế – Final Fantasy XII (FFXII).

Các phiên bản đã phát hành của Final Fantasy XII

Thật vậy, theo nhiều người nhận định FFXII như “con ghẻ” so với toàn bộ series khi game mang đến những thay đổi lớn làm các fan lâu năm khó chấp nhận được cùng với cốt truyện kém hấp dẫn hơn, khô khan hơn và mang quá nhiều yếu tố chính trị so với các phần khác. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng những thay đổi lớn đó lại mang đến những thú vị và độc đáo riêng làm tiền đề cho những hậu bản sau này. Với vị trí là một game thủ và là fan lâu năm của series cùng kinh nghiệm 10 năm trước đã hoàn thành FFXII gốc cộng với việc vừa trải nghiệm phiên bản Remaster HD The Zodiac Age của game với đồ họa đẹp hơn, mình sẽ điểm qua những cái hay và thú vị riêng mà tựa game mang lại khi chúng ta bỏ qua những thiếu sót và định kiến từ trước tới nay về game.

Ngoài ra bài viết cũng mang tính hỗ trợ và hướng dẫn cho những bạn muốn trải nghiệm, làm quen và hiểu rõ hệ thống của game, đặc biệt là bản The Zodiac Age được phát hành thời gian gần đây. Mình sẽ bỏ qua việc giới thiệu nhân vật hay yếu tố cốt truyện để đi thẳng vào hệ thống chiến đấu và cách thức phát triển nhân vật của game nhằm tránh spoil gây mất hứng thú cho các bạn mới trải nghiệm game lần đầu. Chúng ta sẽ đi lần lượt từ cái cơ bản rồi tới các phần liên quan nối tiếp nhau cho dễ hiểu.

I. Hệ thống phát triển kĩ năng nhân vật – License Board

Ở tựa game FFXII gốc, game cung cấp cho chúng hệ thống phát triển kĩ năng mới dùng chung cho cả 6 nhân vật chính gọi là License Board – Một dạng bảng chứng chỉ cho phép nhân vật học các kĩ năng, khả năng trang bị áo giáp và sử dụng vũ khí các loại, mỗi ô chứng chỉ sẽ cần một lượng điểm License Point (LP) nhất định để mở khóa.

Bảng License Board ở tựa game gốc với đầy đủ các ô chứng chỉ

Cũng giống như hệ thống Sphere Grid của FFX  khi tất cả nhân vật đều dùng chung một bảng Grid và có thể học tất cả các kĩ năng của nhau thì License Board của FFXII cũng vậy nhưng khác ở chỗ nó sẽ bao gồm cả mở khóa vũ khí, tức là nhân vật có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau từ thường kiếm, katana, giáo, trượng, cung, súng .v.v… giúp đa dạng hơn trong chiến đấu và có thể thay đổi phù hợp với từng loại kẻ thù hoặc Boss.

Sang bản mở rộng International Zodiac Job System mà sau này làm cơ sở cho bản nâng cấp The Zodiac Age, game có một số thay đổi so với tựa game gốc đó là việc bổ sung Hệ thống Job vào bảng License với 12 Job đại diện cho 12 cung hoàng đạo tương tự  như các Esper triệu hồi trong game, nâng thêm độ khó lên để thử thách người chơi, bao gồm:

Acher – Job chuyên về cung và đánh tầm xa

Machinist – Job chuyên về súng và vài vũ khí máy móc khác

Shikari – Job cận chiến với vũ khí chủ yếu là dao găm (Dagger) và có thể sử dụng Ninja Sword

Bushi – Job chuyên về Katanavà có thể mở khóa được vài đại kiếm thường (Great Sword) nếu kết hợp với một Job phù hợp

Knight – Job kiếm sĩ chuyên các loại kiếm, khiên và các đại kiếm (Great Sword) mạnh nhất game

Uhlan – Job kị sĩ chuyên dùng giáo (Spear) và lao (Javelin), có thể đánh được các kẻ thù dạng flying mà không cần dùng kĩ năng bổ trợ

Foebreaker – Job tanker với vũ khí chính là các loại búa và rìu (Axe/Hammer) với sát thương cực cao

Monk – Job sử dụng trượng (Pole) là chủ yếu, có thể học được những magic cấp thấp và trung

White Mage – Job thiên về White Magic và các phép chữa trị, tấn công yếu, HP thấp

Black Mage – Job chuyên về Black Magic thuộc tính và các phép trạng thái

Time Battlemage – Job cân bằng về tấn công và có thể sử dụng Time Magic hỗ trợ trận chiến

Red Battlemage – Job Cân bằng về tấn công lẫn phép thuật, có thể sử dụng cả Black Magic, White Magic và Time Magic nhưng ở cấp bậc trung

Hệ thống Job ở bản mở rộng International và The Zodiac Age

Mỗi Job sẽ mang một bộ chứng chỉ khác nhau từ giáp trụ, vũ khí cho tới các kĩ năng và phép thuật, hay nói đúng hơn là nó bị phân mảnh rất nhiều so với bảng chứng chỉ của tựa game gốc. Ngoài ra sau một số sự kiện giai đoạn đến gần 1/3 game khi có được Esper đầu tiên bạn sẽ được phép học thêm một bảng Job thứ hai cho nhân vật để kết hợp với Job trước đó vốn quá ít ỏi. Ở các bảng Job vốn bị phân mảnh và có những ô nằm tách biệt hoàn toàn ra ngoài nên không thể mở khóa được. Việc học thêm bảng Job thứ hai giúp kết hợp có thể mở khóa các ô này cùng với việc thu phục các Esper để làm cầu nối. Nhưng vấn đề là bạn phải suy nghĩ và chọn lựa để kết hợp các Job nào với nhau để khai thác triệt để bảng License và Esper chỉ được học bởi một nhân vật, tức là nếu nhân vật này học rồi thì các nhân vật khác không thể học sử dụng Esper đó nữa và cầu nối trên bảng License của các nhân vật sẽ mất vì vậy nên tính toán kĩ những ai nên học để mở rộng các ô License cần thiết và các ô nào không, thường chúng ta nên bỏ qua các ô kĩ năng Technicks vì đa số chúng không quan trọng lắm.

Việc lựa chọn kết hợp các Job với nhau cũng rất quan trọng

Các bạn có thể chọn các Job khác nhau hoặc cũng có thể trùng nhưng phải phù hợp với nhân vật. Nếu chọn sai thì kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chơi và trong cục diện trận đấu, đặc biệt đừng chọn các Job giống nhau cho cả party vì sẽ gây rất nhiều khó khăn. Các Job thiên về phép thuật sẽ có lượng HP và chỉ số phòng thủ rất thấp nên việc kết hợp với một Job thiên về tấn công để nâng chỉ số và HP lên là rất cần thiết, nếu không đối với các đối thủ có đòn đánh gây sát thương cao nhất là khi HP gần cạn mà chỉ số của chúng tại được tăng lên thì lúc đấy nhân vật của bạn sẽ khó mà trụ được. Một trận đấu nếu chỉ toàn Bushi,Shikari hay Machinist mà không có White Mage để hồi máu và giải các phép trạng thái trong khi sử dụng các item lại hơi bất tiện nhất là các boss cấm dùng item trong suốt cuộc chiến sẽ gây khó khăn và kéo dài thời gian, thậm chí là thất bại và game over bất cứ lúc nào.

II. Hệ Thống chiến đấu – Battle System

FFXII giới thiệu battle system mới cải tiến từ hệ thống Active Time Battle (ATB) vốn đã quá quen thuộc gọi là Active Dimension Battle (ADB) – hệ thống chiến đấu thời gian thực với kẻ thù xuất hiện trực tiếp trên bản đồ và không còn chuyển cảnh sang battle stage như truyền thống với các trận đụng độ ngẫu nhiên nữa tương tự như những game online mà đơn cử là Final Fantasy XI. Với môi trường rộng lớn và kẻ thù xuất hiện trực tiếp, bạn có thể lựa chọn đối đầu hoặc tránh xa chúng theo ý muốn, ngoài ra còn có chức năng Flee – tạm dừng tất cả mọi hoạt động để trốn chạy khi kẻ thù ngẫu nhiên quá mạnh hoặc quá phiền phức.

Hệ thống chiến đấu thời gian thực và thế giới mở, loại bỏ các trận đụng độ ngẫu nhiên

Tương tự như FFX-2, game có hai chế độ là Wait Mode Active Mode có thể thay đổi qua lại bất kì lúc nào. Khi chọn Wait Mode mọi hoạt động sẽ dừng lại khi menu điều khiển được bật trong trận chiến để bạn chọn lựa hành động và suy nghĩ chiến thuật hợp lý cho đến khi bạn ra quyết định thì trận chiến mới tiếp tục, chế độ này có phần hơi thụ động nhưng đối với những ai không nhạy bén lắm thì đây là cách để xây dựng chiến thuật hợp lý, chậm mà chắc. Còn với Active Mode thì mọi hoạt động trong trận chiến vẫn tiếp diễn trong khi bạn chọn lựa các mệnh lệnh trong menu điều khiển giúp tiến độ game trở nên liền mạch và liên tục. Chế độ này mang tính truyền thống hơn, giống với các phần tiền nhiệm khi cần phải phán đoán chính xác và chọn hành động nhanh để xử lý các tình huống nếu như bạn không muốn bị lỡ nhịp so với tiến độ của trận chiến.

Bạn được phép điều khiển tối đa 3 nhân vật với một người làm leader để dẫn dắt nhóm đồng thời có thể thay đổi đội hình bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng sẽ có các khách mời (Guest) tham gia vào đội hình và riêng ở bản International hay The Zodiac Age thì bạn có thể điều khiển trực tiếp khách mời và cả các Esper theo ý muốn.

Ngoài ra trong trận chiến bạn còn có thể sử dụng Quickening – một dạng khác của những Overdrive hay Limit Break ở các bản tiền nhiệm nhưng khác ở chỗ cả 3 nhân vật có thể cùng thi triển lần lượt các Quickening của riêng mình để tạo thành chuỗi combo hit không giới hạn. Thanh thời gian đếm ngược sẽ là giới hạn duy nhất của của hệ thống này, tùy vào kĩ năng, phán đoán và một chút nhanh tay lẹ mắt mà bạn có thể dễ dàng tạo nên combo vượt mức 15 hit rất dễ dàng. Mỗi nhân vật đều có đòn đánh mang thuộc tính riêng, việc kết hợp các nhân vật khác nhau để thi triển Quickening sẽ quyết định thuộc tính đòn đánh tổng cuối cùng sau khi hết thời gian và ảnh hưởng trực tiếp đến sát thương gây lên kẻ thù.

Menu điều khiển Quickening với thời gian đếm ngược

Các Quickening có sẵn trên bảng License và mỗi nhân vật sẽ học được 3 Quickening riêng biệt với 3 level khác nhau. Việc sử dụng Quickening sẽ gây tiêu tốn một vài thanh năng lượng gọi là Mist Gaugetương đương với cấp độ của chiêu đó. Các thanh năng lượng sẽ xuất hiện bên dưới thanh HP của nhân vật khi họ học được một Quickening. Thủ thuật để tạo chuỗi combo dài ở đây đó là nên nhanh tay chọn các Quickening lv.1 trước để kéo dài chuỗi combo và tiết kiệm thời gian. Việc sức dụng các chiêu lv.2hoặc lv.3sẽ gây cạn kiệt thanh năng lượng rất nhanh và khi đó sẽ không có tùy chọn nào nữa, buộc chúng ta phải ấn nút để nạp lại (Charge Mist) rất tốn thời gian gây cản trở tạo chuỗi combo. Sau hit thứ 8 hoặc 9 bạn có thể tùy ý chọn các chiêu vì khi đó thời gian của bạn sẽ còn rất nhiều đủ để nạp lại tùy chọn nếu lỡ cạn thanh năng lượng.

Với một chút nhạy bén thì việc tạo chuỗi combo hit lớn rất dễ dàng

Các nhân vật sẽ có level riêng, lên level càng cao thì các chỉ số sẽ nâng lên đáng kể giúp nhân vật mạnh hơn nhằm chiếm ưu thế trong trận đấu. Thường thì thói quen của chúng ta là chỉ luyện những nhân vật mà chúng ta thích như ở các phần trước đây, nhưng riêng ở FFXII thì đó sẽ là một sai lầm lớn và có thể gây khó khăn trong quá trình chơi. Việc chỉ chơi 3 nhân vật yêu thích mà bỏ đi những thành viên còn lại sẽ làm cho đội hình mất cân bằng trầm trọng và gây khó khăn cản trở đến chiến thuật mà bạn áp dụng.

Việc luyện level cho tất cả nhân vật sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình chơi

Như đã nói ở phần đầu tiên, trong game sẽ có các Boss khi gần cạn HP sẽ nâng các chỉ số phòng thủ và tấn công lên gấp đôi gấp ba hoặc những Boss khủng có sát thương cực cao có thể triệt hạ toàn bộ 3 nhân vật của bạn thì sẽ thế nào? Đội hình còn lại thì quá yếu đế tiếp tục trận chiến? Lúc này những gì bạn cần là một chút may mắn.

Vậy lời khuyên đưa ra là nên luyện hết các nhân vật và trang bị những thứ tốt nhất, với 6 nhân vật chúng ta có thể chia ra làm hai team: team chủ lực team bổ trợ. Và điểm chung của hai team là nên có một nhân vật đánh tầm xa với nhiệm vụ hỗ trợ và hồi HP. Việc bổ sung một nhân vật đánh xa trong đội hình cũng rất có lợi khi sẽ giúp nhân vật đó có khả năng tránh được các đòn đánh gây trạng thái bất lợi và có thể tập trung hỗ trợ cho đồng đội. Hai nhân vật còn lại có thể tùy chọn nhưng thiên về tấn công hơn và một phải có khả năng dùng Black Magic đề phòng các Boss cấm dùng lệnh tấn công. Việc chia đội hình làm như thế sẽ rất có lợi khi cục diện trận chiến thay đổi bất ngờ và giúp bạn tiếp tục tấn công không bị trì hoãn khi phải tốn công hồi sinh các nhân vật chủ lực mỗi khi bị Boss quá mạnh triệt hạ.

III. Hệ thống hỗ trợ trận chiến – Gambit

Ngoài Battle System đổi mới, game còn bổ sung thêm hệ thống bổ trợ độc đáo riêng biệt Gambit để hỗ trợ trong chiến đấu. Có thể hiểu đây là hệ thống bán tự động với cơ chế hoạt động dựa trên cơ sở Nếu – ThìĐiều kiện – Hành động tùy theo mục đích của người chơi mà sẽ cài đặt Gambit phù hợp. Trong bảng License sẽ có các ô Gambit để bạn mở khóa, mỗi nhân vật có tối đa 12 slot Gambit với thứ tự ưu tiên từ trên xuống để các bạn tùy biến theo ý mình.

Một set Gambit cơ bản

Các lệnh mang điều kiện thì các bạn có thể mua ở tất cả các shop Gambit ở các thành phố lớn với giá rẻ bèo và rất đồ sộ, đa dạng với mọi kiểu điều kiện đặt ra làm tiền đề cho hành động. Đối với tựa game FFXII gốc thì việc chọn lựa set Gambit bổ trợ dễ thở hơn rất nhiều vì tất cả các kĩ năng và phép thuật đều có thể mua ở shop và hầu như lúc giữa game thì chúng ta đã có bộ set Gambit tương đối ổn. Đến bản International The Zodiac Age thì khác. Tất cả các phép thuật mạnh nhất và các phép bổ trợ cuối đều nằm rải rác trong các rương kho báo ở các vùng, buộc chúng ta phải đi kiếm mới có được gây khó khăn trong việc set Gambit thi triển các phép hỗ trợ. Những Hastega, Protectga, Shellga, Curaja, Scathe… đều nằm ở những góc khuất khó tìm nhất của các Dungeon và được canh giữ bởi số lượng kẻ thù đông đảo mà nếu không nhanh tay vào lấy và chạy thoát thì màn hình Game Over sẽ ám ảnh bạn thường xuyên.

Mỗi người chơi khác nhau sẽ có cách trải nghiệm game khác nhau vì thế cách set Gambit cũng rất đa dạng. Có set thiên về tấn công đánh nhanh rút gọn, có set thì cân bằng hơn giữa hỗ trợ và tấn công và cũng có set chủ yếu dùng các phép hỗ trợ, dùng một loạt item hoặc tấn công bằng Black Magic. Cần lưu ý là sẽ không có một set Gambit nào hoàn hảo tuyệt đối, dù ít hay nhiều thì cũng sẽ có sơ hở trong hệ thống lệnh và hành động buộc bạn phải can thiệp cũng như xử lý trong quá trình chơi. Đó là cách mà game để bạn không quá thụ động và phụ thuộc vào hệ thống bổ trợ, chơi vậy thì mất vui đúng không?!

Vậy đâu là một Gambit tối ưu nhất phù hợp với đại đa số các trường hợp?

Tựu chung lại thì cơ bản chúng ta vẫn phải set các Gambit bổ trợ ở các vị trí đầu tiên và cuối cùng mới là các Gambit dùng cho chiến đấu. Nhất là ưu tiên các vị trí đầu cho các item hoặc phép hồi HP và hồi sinh như:

Cura hoặc Curaja Hồi một lượng HP cho tất cả đồng đội
Rise – Hồi sinh một nhân vậtở trạng thái K.O
Arise Hồi sinh một nhân vật với thanh HP đầy

Hoặc đơn giản thay thế chúng bằng X-Potion Phoenix Down cho các nhân vật không thể sử dụng phép. Và kinh nghiệm rút ra ở đây là chúng ta nên kết hợp Gambit cả 3 nhân vật để bổ trợ cho nhau tốt hơn và đỡ mất thời gian, tạo lợi thế trong trận chiến và xoay chuyển cục diện trận đấu. Đối với bản gốc thì việc các cho các nhân vật học các phép thuật giống nhau như các phép hồi máu, bổ trợ  .v.v… giúp cho các bạn set Gambit dễ dàng hơn, còn ở các bản mở rộng này việc chọn Job sẽ ảnh hưởng đến một số nhân vật khi Job đó không có ô phép thuật bổ trợ nào.

Cách giải quyết là set Gambit dùng item cho các nhân vật “mù’ magic nhưng không phải set toàn bộ các item giải từng trạng thái, mà hãy set Gambit giải các trạng thái gây bất lợi cao như:

Silence – Bị cấm không thể cast magic, rất nguy hiểm đối với nhân vật hỗ trợ hồi máu
Stop Bị đóng băng một khoảng thời gian, mọi hoạt động đều bị tạm dừng
Disease Tổng HP giảm dần khi bị tấn công cho đến khi chỉ còn 1
Confuse – Bị mất kiểm soát, hành động bất thường, có thể tự tấn công bản thân hoặc đồng độiDisableNgưng toàn bộ hành động và không thể đưa ra mệnh lệnh thực thi thì có thể chữa bằng Remedy (đã được nâng cấp khi mở khóa hết các ô Remedy Lore trong bảng License) hoặc phép Esuna chứ không có item riêng để trị.

Các nhân vật còn lại nếu có thể sử sụng phép bổ trợ thì cứ set Remedy và phép Esuna để lo các trạng thái bất lợi khác cho nhanh gọn lẹ. Việc dùng item tuy được thực thi tức thì không cần load thanh ATB nhưng sẽ tốn một chút thời gian chờ mới có thể thực hiện hành động khác. Mặc dù Remedy có thể giải gần như tất cả trạng thái nhưng giá hơi đắt tiền và mua được 99 bình Remedy cũng tốn của bạn kha khá tiền. Việc cài đặt Gambit như vậy giúp bạn tiết kiệm được Remedy và đỡ mất công chạy đi mua rất phiền phức.

Như mình đã nói, bạn nên kết hợp Gambit của cả ba nhân vật để hỗ trợ nhau tốt hơn, đặc biệt là nên chia đều các phép bổ trợ cho các nhân vật, như thế vừa không tốn thời gian và giảm gánh nặng về MP của một thành viên, tránh để một nhân vật ôm hết các phép bỗ trợ bởi vì khi phép hết tác dụng thì nhân vật đó chỉ lo cast phép vừa tốn thời gian, mau cạn MP và có khả năng gây khó khăn bất lợi cho cả team.

Set Gambit tương đối ổn của team chủ lực với 1 Healer, và 2 Attacker / Tanker

Khi đã có hết tất các phép thuật cuối và chọn Job phù hợp thì tốt nhất nên chọn một nhân vật có thể sử dụng Protectga và Shellga (White Mage / Shikari / Monk), một có thể cast Hastega (Time Battlemage / Machinist), còn lại có thể là nhân vật đánh tầm xa sẽ dùng các phép hỗ trợ chữa trị và hồi máu. Các phép hỗ trợ tăng chỉ số như Faith (tăng chỉ số Magic), Bravery (tăng chỉ số tấn công), Regen (tăng dần HP bị tổn thất đến khi đầy), Bubble (tăng gấp đôi lượng máu hiện có) hay Reverse (biến sát thương thành HP trong thời gian ngắn) cũng rất hữu dụng trong một số trường hợp.

Đối với các Gambit dành cho kẻ thù, thì có thể set các Gambit cụ thể như sau cho cả 3 nhân vật:

Foe: Party Leader Target  
-> Attack– Tấn công theo lệnh của Leader
Foe: Lower HP                  -> Attack  – Tấn công kẻ thù có ít HP hơn tránh tình trạng đánh bừa
Foe: Nearest Visible         -> Attack  – Tấn công kẻ thù hiện hữu gần nhất

Và cũng nên có một chỗ cho Gambit đối phó với kẻ thù dạng bay. Những Job như Acher, Machinist Uhlan có khả năng đánh kẻ thù bay thì mọi chuyện sẽ dễ hơn khi ta không cần set Gambit. Còn đối với các Job khác thì chúng ta nên hoặc là sử dụng Black Magic, phép Holy hoặc là dùng kĩ năng Telekinesis nếu Job đó có thể học được để đối phó như:

Foe: Flying -> 
Magic tùy chọn / Telekinesis

Ngoài ra có một số thủ thuật để tăng lợi thế trận chiến như là dùng phép Decoy (lừa kẻ thù) và Berserk (gây điên loạn) lên cố định một nhân vật. Phép Decoy sẽ dụ kẻ địch chỉ tập trung vào một nhân vật được cast lên, tạo cơ hội cho các nhân vật khác tấn công vì thế nên set Gambit này cho nhân vật nào có HP và phòng thủ cao nhất. Đối với Berserk, bạn nên cast lên Tanker chủ lực với chỉ số tấn công cao của team, vì phép này giúp nâng chỉ số tấn công và combo hit nhưng bù lại nhân vật của bạn chỉ biết tấn công điên cuồng mà không thực hiện bất kì hành động nào khác. Nếu kết hợp cast phép Berserk và Bravery lên tanker thì hiệu quả sẽ nâng lên rất nhiều với sát thương cực cao. Và cuối cùng là nhân vật thứ 3 sẽ tập trung hồi máu cho nhân vật được cast phép Decoy, phần còn lại cứ để cho nhân vật được cast phép Berserk tập trung tấn công. Nhưng cách này chủ yếu hữu dụng với các Boss thường và bậc trung, với các Boss khó thì phương pháp nêu trên có rất nhiều lỗ hổng mà Boss chỉ cần ra một chiêu dứt điểm có thể tiêu diệt toàn bộ team không kịp trở tay, vì thế nên cẩn thận và suy tính kĩ mỗi khi set bất kì một Gambit trước khi bắt đầu trận chiến với một Boss nào đó.

IV. Hệ thống nhiệm vụ săn tiền thưởng và đổi vật phẩm – Mob Hunt, Clan và Bazaar

Game cung cấp cho chúng ta các mini game chính dưới dạng nhiệm vụ săn quái nhận tiền thưởng có thể làm song song khi chúng ta khám phá cốt truyện của game gọi là Mob Hunt. Quái vật Mob Hunt được xếp hạng cấp độ Rank từ I cho tới VII với nhiều yêu cầu và phần thưởng khác nhau. Có 3 loại nhiệm vụ săn mà chúng ta có thể thực hiện:

Đầu tiên là Regular Marks với các quái yếu dễ đi săn và nhận nhiệm vụ ở các bill dán lên bảng thông báo ở các quán Bar trong các thành phố lớn hoặc khu chợ trời ở Nalbina Fortress. Phần thưởng của các nhiệm vụ săn này cũng chỉ là vài món đồ và giáp trụ thường, không có gì đặc biệt.

Một trong những Mob Hunt Regular Marks với Rank cấp 1

Kế đến là Elite Marks với các quái khó nhằn và nguy hiểm hơn bao gồm cả con rồng Yiazmat – Superboss với 50 triệu HP khủng nhất trong cả series. Các nhiệm vụ này chỉ được nhận khi bạn tham gia Clan Centurio và nói chuyện với Montblanc Leader của hội và thỉnh thoảng có những nhiệm vụ bạn sẽ được hỗ trợ bởi thành viên của clan. Phần thưởng cho người chơi cũng sẽ giá trị hơn, thậm chí là các vật phẩm hiếm. Ngoài ra bạn còn được thưởng nhiều phần thưởng giá trị khi thăng hạng trong Clan và cả khi bạn diệt dược các Boss trong suốt quá trình chơi.

Một Clan’s Hunt thuôc nhóm Elite Marks rất mạnh và khó đối phó

Cuối cùng là là nhiệm vụ phụ săn thú hiếm – Rare Game Hunt với 80 loài đa dạng về chủng loại với độ khó và tỉ lệ xuất hiện ngẫu nhiên khác nhau. Nhiệm vụ chỉ bắt đầu khi bạn hội đủ điều kiện: nhận nhiệm vụ săn Mandragoras của cậu bé ở Tchita Uplands, hoàn thành sự kiện ở Archades sau đó quay trở về khu trại ven biển Phon Coast và nói chuyện vớiHunt Club Master để đi săn thú hiếm đầu tiên làm thủ tục gia nhập hội. Khi hoàn thành xong bạn sẽ chính thức bước vào quá trình đi tìm 80 thú hiếm trong game. Đối với bản Internatioanl The Zodiac Age thì trong tổng số 80 đó chỉ có 30 thú sẽ rơi ra các trophy. Thu thập đủ các trophy và trao lại cho các thành viên hunt club thì bạn có thể mở khóa shop ẩn đặc biệt của hội, nơi bạn có thể mua được thanh Zodiac Spear – Thanh giáo từng được xem là mạnh nhất ở tựa game gốc và Zodiac Ecutcheon – Một trong những tấm khiên tốt nhất game.

Một trong số 80 thú hiếm mà chúng ta sẽ đi săn

Nói sơ về hệ thống trao đổi và tạo vật phẩm Bazaar trong game thì nó rất đa dạng. Có thể hiểu nôm na nó giống như chợ bán đồ handmade, tức là bạn nhặt các vật phẩm mà kẻ thù rớt ra gọi chung là Loot, và bạn đem bán các Loot này cho các shop bất kì để đổi lại vật phẩm mới, có thể là các item pack, áo giáp và thậm chí là cả vũ khí. Mỗi vật phẩm ở Bazaar sẽ yêu cầu Loot khác nhau với số lượng yêu cầu vừa đủ và danh sách các món đồ có thể trao đổi rất đồ sộ giống như bộ Mix Overdrive của Rikku trong FFX vậy.

Đặc biệt ở bản International The Zodiac Age thì đa số các vũ khí mạnh nhất game đều chỉ có thể có được qua hệ thống Bazaar và quá trình tìm các Loot cho các vật phẩm ấy cũng rất khó khăn và tốn thời gian với một số có tỉ lệ rớt chỉ vào khoản 3% đến 5% đôi khi sẽ gây ức chế với một số người nhưng nếu kiên nhẫn thì công sức bỏ ra sẽ không uổng phí.

Kumbha– Thanh Katana mạnh nhất game chỉ có thể có được qua hệ thống Bazaar

Tất cả trên là những kinh nghiệm mà mình có được sau thời gian trải nghiệm game. Ngoài ra trong game còn rất nhiều thú vị nho nhỏ mà bạn có thể tự mình khám phá trong suốt quá trình chơi, hy vọng với những chia sẽ trên có thể giúp cho các bạn phần nào nắm rõ hệ thống chiến đấu, cách hoạt động của Gambit để dễ nắm bắt, làm quen và mang lại trải nghiệm tốt hơn trong quá trình khám phá tựa game 10 năm tuổi được khoác lên diện mạo mới thời gian gần đây. Chúc các bạn có giây phút vui vẻ cùng FFXII và đặc biệt là bản The Zodiac Age.

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.