Final Fantasy III WiKi

Final Fantasy III (ファイナルファンタジIII ー Fainaru Fantajī Surī) là phần thứ ba của series Final Fantasy, phát triển và phát hành bởi Squaresoft. Nó được ra mắt lần đầu vào tháng 4 năm 1990 cho hệ máy Nintendo Entertainment System, độc quyền tại Nhật Bản. Sau đó game được làm lại trên nền đồ họa 3D bởi Matrix Software và phát hành trên toàn thế giới cho Nintendo DS. Phiên bản này còn được port sang các nền tảng như iOS, Android, PlayStation Portable, Microsoft Windows, cùng nhiều hệ máy khác nữa. Đạo diễn của trò chơi là ngài Hironobu Sakaguchi, âm nhạc do Nobuo Uematsu sáng tác và Yoshitaka Amano vẽ tranh minh họa. Đây là phiên bản đầu tiên xuất hiện hệ thống Job, một yếu tố đã trở thành đặc trưng của Final Fantasy.

Kịch bản game xoay quanh 4 Chiến binh Ánh sáng (Warriors of Light), vốn là Onion Knight trong phiên bản gốc; về sau được đặt tên lần lượt là Luneth, Arc, Refia và Ingus trong lần remake lên 3D. Khi nhóm tìm ra Phong Tinh thạch (Wind Crystal), nó đã ban cho họ sức mạnh để phục hồi lại sự cân bằng cho thế giới.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử series hệ thống Job được cho ra mắt. 4 nhân vật chính có thể trang bị một trong 23 loại nghề nghiệp khác nhau, thu nhận bằng cách tìm tinh thạch hoặc hoàn thành nhiệm vụ phụ. Job mang lại cho người chơi các kỹ năng, ví dụ như Magic; hoặc có thể là những mệnh lệnh đặc biệt như Steal của Thief hay Jump của Dragoon. Càng sử dụng một Job nhiều, chỉ số nhân vật càng tăng lên.

Final Fantasy III

ファイナルファンタジIII ー (Fainaru Fantajī Surī)

Phát triển:

  • Square Co.,Ltd (phiên bản Famicom)
  • Matrix Software (phiên bản remake)
Phát hành:

  • Square Co.,Ltd (phiên bản Famicom)
  • Square Enix (phiên bản remake)
Ngày phát hành:

Hiển thị
Phiên bản NES: 27/04/1990 (JP)

Phiên bản Nintendo DS: 24/08/2006 (JP), 14/11/2006 (NA), 04/05/2007 (EU) 05/04/2007 (AU)

Phiên bản Wii Virtual Console: 21/07/2009 (JP)

Phiên bản iOS: 24/03/2011

Phiên bản iPad: 21/04/2011

Phiên bản Android: 27/06/2012

Phiên bản PlayStation Portable: 20/09/2012 (JP), 25/09/2012 (NA), 26/09/2006 (EU)

Phiên bản Android (Amazon Appstore): 01/11/2012 (NA)

Phiên bản OUYA: 28/03/2013

Phiên bản Windows Phone: 27/12/2013

Phiên bản Steam: 27/05/2014 (NA/EU)

Phiên bản Classic Mini Famicom: 10/11/2016 (JP)

Thể loại: Game nhập vai
Hệ máy: Nintendo Family Computer, Nintendo DS, iOS*, Android, PlayStation Portable, Ouya, Windows Phone

GAMEPLAY

Gameplay mang cả những đặc điểm của hai game Final Fantasy đầu tiên cùng một số đặc trưng mới. Điểm kinh nghiệm, sau khi bị lược bỏ khỏi Final Fantasy II, đã được mang trở lại. Không giống như Final Fantasy đầu tiên yêu cầu người chơi chọn lớp nghề cho nhân vật ngay từ đầu hay Final Fantasy II không hề có phân loại cụ thể, Final Fantasy III mang đến hệ thống Job mới lạ mà dần dần trở thành dấu hiệu nhận biết của cả series.

Bảng chọn Job (Nintendo DS)

Với 4 thành viên và 23 nghề nghiệp, chúng ta có tổng cộng 14.950 cách thiết lập tổ đội. Các Job có thể được hoán đổi: tất cả 4 nhân vật chính, các Chiến binh Ánh sáng, khởi đầu với vị trí Onion Knight (ở bản Famicom) hoặc Freelancer (ở các bản khác) đều được phép chuyển qua lại giữa nhiều nghề nghiệp khác nhau. Số lượng Job tăng dần lên mỗi khi tìm thấy tinh thạch hoặc hoàn thành nhiệm vụ nào đó.

Danh sách Job của Final Fantasy III bao gồm:

Job theo hướng tấn công vật lý Job theo hướng tấn công phép thuật
  • Onion Knight
  • Freelancer
  • Warrior
  • Monk
  • Ranger
  • Knight
  • Thief
  • Dragoon
  • Viking
  • Dark Knight
  • Black Belt
  • Ninja
  • White Mage
  • Black Mage
  • Red Mage
  • Scholar
  • Geomancer
  • Evoker
  • Bard
  • Devout
  • Magus
  • Summoner
  • Sage

Final Fantasy III cũng là game đầu tiên trong series có dòng lệnh mới trong trận chiến ngoài Magic, ví dụ như Steal hoặc Jump, được gắn với từng nghề cụ thể. Ngoài ra người chơi cũng lần đầu tiên được biết đến khái niệm sinh vật triệu hồi.

NHÂN VẬT

Ở phiên bản gốc trên Famicom, người chơi vào vai 4 Light Warrior, 4 đứa trẻ không có nhân dạng cụ thể, những người sau khi tìm thấy Phong Tinh Thạch Gió đã được nó ban cho sức mạnh giải cứu thế giới. Mặc dù giới tính của nhóm không bao giờ được công bố cụ thể nhưng mọi người thường cho rằng đội trẻ này đều là nam. Trên hành trình, các Light Warrior nhận được sự trợ giúp của một số nhân vật phụ, không trực tiếp chiến đấu.

Chiến binh vô danh, hình minh họa được vẽ bởi Yoshitaka Amano

Đến bản remake, nhà sản xuất đã đặt tên cho những nhân vật chính của game và định hình tính cách cho từng người, tuy nhiên vẫn khác xa với trong bộ manga chính thức. Mỗi cá nhân đều có tiểu sử riêng, được sử dụng trong một số cảnh để tô điểm cho kịch bản vốn tương đối đơn giản. Các nhân vật phụ vẫn xuất hiện hỗ trợ người chơi nhưng nay đã có tham gia ngẫu nhiên vào vài trận chiến nhỏ, có thể là tấn công kẻ địch hoặc đơn giản chỉ là hồi máu.

  • Luneth – nhân vật chủ chốt, có nhiệm vụ giải cứu các tinh thạch của thế giới.
  • Arc – bạn thân nhất của Luneth.
  • Refia – con gái của một thợ rèn.
  • Ingus – hiệp sĩ xứ Sasune.

Nhân vật hỗ trợ:

  • Cid
  • Sara
  • Desch
  • Aria
  • Alus

Như đã đề cập ở trên, nhóm Onion Knight không được đặt tên ở bản Famicom nhưng ở manga chuyển thể, Yuukyuu no Kaze Densetsu: Final Fantasy III Yori, họ được gọi lần lượt là Muuchi (ムウチ), Doug (ダグ), J. Bowie (J・ボウイ), và Melfi (メルフィ) – nhân vật nữ duy nhất. Trong screenshot về tựa game gốc xuất hiện ở cuốn sách Dissidia Final Fantasy Ultimania, các Onion Knight được chú thích tên theo phần remake.

Logo của cả 2 phiên bản và một số artwork của họa sĩ Yoshitaka Amano đều mô tả một chiến binh tóc trắng cường tráng. Nhân vật này không có tên và cũng không bao giờ có mặt trong game. Thiết kế này có nét tương đồng với nhân vật chính của Final Fantasy V, Bartz Klauser. Cách buộc tóc kiểu đuôi gà và cặp song kiếm lại giống với Desch ở bản remake. Rất nhiều fan hâm mộ cho rằng chiến binh vô danh này đại diện cho Luneth.

CỐT TRUYỆN

Gulgan đã tiên tri rằng: “Trận động đất mới chỉ là sự khởi đầu. Cơn đại địa chấn nuốt chửng lấy các tinh thạch, ánh sáng của thế giới, đã sản sinh ra những con quái vật từ sâu trong lòng đất, báo hiệu thảm họa sắp diễn ra. Có thứ gì đó đang tới… không thể đoán trước, u ám và chứa đầy khổ đau… Nhưng hi vọng không phải đã hết. Bốn linh hồn sẽ được ánh sáng ban phước lành, và câu chuyện bắt đầu…”
Các chiến binh ánh sáng: Arc, Refia, Luneth, và Ingus.

Nhiều thế kỷ trước, người cổ xưa đã sử dụng Quang Tinh thạch (Crystal of Light) để xây dựng một nền văn minh tiên tiến tuy nhiên lại gây ra thảm họa vì quá dư thừa nguồn sáng. Bốn vị Chiến binh Bóng đêm đã được lựa chọn để khôi phục lại sự cân bằng và nên văn minh cổ đại bị lụi tàn. Những vị tiên tri mù Gulgan tiên đoán lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại và bốn Chiến binh Ánh sáng phải đứng lên ngăn chặn dòng chảy bóng đêm.

Nhiều năm sau, một trận động đất đã mở ra lối vào Động Altar gần ngôi làng Ur. Bốn thanh niên mồ côi, được già làng Topapa chăm sóc, vô tình khám phá địa danh này. Họ tìm thấy Phong Tinh thạch và được nó ban cho một phần sức mạnh cũng như hướng dẫn để giúp cân bằng lại thế giới.

Trong bản remake, chỉ có mình Luneth rơi vào hang động và được dặn phải tìm các Chiến binh khác trước khi được truyền sức mạnh của Tinh thạch. Cậu cùng với người bạn Arc đến thăm Kazus, ngôi làng bị Djinn nguyền rủa. Họ tìm thấy Refia trong airship của Cid. Sau đó ba người tiếp tục hành trình tới Lâu đài Sasune để gặp gỡ Đức Vua với mục đích tìm Nhẫn Mythril được cho là có thể phá vỡ lời nguyền. Họ được vị cận vệ hoàng gia Ingus (chính là thành viên thứ 4 của nhóm) sắp xếp cho một buổi diện kiến. Đức Vua yêu cầu nhóm giải cứu con gái mình, Công chúa Sara Altney, hiện đang bị mất tích.

Tinh thạch đang nói chuyện với cả nhóm

Nhóm tiến vào Động Phong Ấn (Sealed Cave) và tìm thấy Công chúa Sara, người bỏ trốn khỏi cung điện với chiếc nhẫn để ngăn chặn Djinn. Họ đánh bại được hắn và nhốt lại bằng chiếc nhẫn. Sau đó công chúa quay trở về lâu đài trong khi Luneth, Arc, Refia và Ingus được dịch chuyển đến Động Altar. Phong Tinh thạch chỉ định họ trở thành các Chiến binh Ánh sáng và ban cho bộ Job đầu tiên.

Tại lâu đài Sasune, công chúa Sara sử dụng Nhẫn Mythril để phá bỏ lời nguyền. Các chiến binh gặp lại Cid ở Kazus. Một tảng đá lớn đang chặn đứng con đường mòn dẫn đến những phần khác của lục địa nên Cid buộc phải đâm chiếc airship của mình vào để phá hủy nó. Kết quả là nhóm phải tiếp tục cuộc hành trình bằng đường bộ. Họ di chuyển đến thị trấn Canaan, chữa trị cho vợ Cid khỏi một căn bệnh và gặp cô gái có tên Salina, người đang đau buồn vì người yêu của mình, Desch bị mất tích. Vì cả nhóm đang cần đến phép Mini của Desch, họ lên đường tìm kiếm anh chàng này ở ngọn núi Đỉnh Rồng (Dragon’s Peak). Bahamut lừa nhóm vào chỗ của nó để làm thức ăn cho lũ rồng con nhưng họ gặp được Desch ở tổ rồng và trốn thoát. Desch bị mất trí nhớ nên quyết định gia nhập nhóm với hi vọng lấy lại được ký ức.

Nhờ phép Mini của Desch mà nhóm đặt chân được vào Tozus, ngôi làng của người tí hon. Họ băng qua Đường hầm Tozus để đến Vịnh Viking (Vikings’ Cove) nhằm tìm kiếm một con tàu. Những người Viking ở đây đang hoảng loạn vì vệ thần của họ, Rồng Nepto đang nổi cơn thịnh nộ và nhấn chìm tất cả các con thuyền. Nhóm đồng ý giúp đỡ. Họ đi tới Đền Nepto và phát hiện ra bức tượng Rồng Nepto đang bị mất một con mắt. 4 người vượt qua một đường hầm ẩn sau những bức tường của đền và tìm thấy con mắt trong một lỗ chuột. Họ trả lại nó về vị trí cũ và làm dịu đi sự tức giận của rồng thần. Để tỏ lòng biết ơn, người Viking tặng cho các Chiến binh Ánh sáng chiếc tàu Enterprise.

Artwork các nhân vật chính của Yoshitaka Amano

Nhóm lái chiếc Enterprise đến Làng của Người cổ đại và tìm ra sự thật rằng lục địa mà họ đang sinh sống thực ra đang lơ lửng bên trên một “thế giới” khác. Họ tiếp tục ghé thăm Khe nứt Gulgan nơi người Gulgan chỉ cho họ đường đến Tháp Owen. Tại đây nhóm phải trải qua rất nhiều trận đánh để khám phá từng ngóc ngách của ngọn tháp, trong khi đó, xuất hiện một giọng nói bí ẩn chế nhạo mọi người. Lên đỉnh tháp, họ chạm trán với Medusa, bề tôi của Xande, kẻ đang âm mưu phá hủy tháp và kéo theo sự sụp đổ của cả lục địa. Sau khi hạ gục Medusa, Desch cũng lấy lại được ký ức và nhớ ra cả anh cùng cha mình (đều là người Cổ đại) đã xây dựng nên Tháp Owen. Anh quyết định chui vào lò nung để sửa nó và cứu lấy lục địa bay mặc cho mọi người can ngăn.

Cùng lúc ấy, xoáy nước chặn con đường lên phía bắc cũng biến mất nên cả nhóm có thể di chuyển đến Thung lũng Người lùn (Dwarven Hollows) để tìm kiếm Hỏa Tinh thạch. Tộc Người lùn đang rất lo lắng vì một trong hai báu vật sừng băng của họ đã bị Gutsco Kẻ Lêu Lổng đánh cắp. Nhóm sử dụng phép Toad để vào một cái hồ nằm dưới lòng đất nhằm tìm lại món đồ cho Người lùn. Sau khi “đánh bại” được Gutsco, họ quay trở về Thung lũng mà không biết rằng đang bị một bóng đen bám theo. Ngay lúc cả nhóm bước vào điện thờ, Gutsco hiện nguyên hình và đoạt lấy cả cặp sừng băng.

Bộ tứ truy lùng hắn đếm Động Molten và phát hiện hắn đang ở cạnh Hỏa Tinh thạch. Hắn hấp thụ sức mạnh của viên ngọc và biến đổi thành một con rồng. Nhóm đánh bại hắn một lần nữa, tiếp nhận ánh sáng của Hỏa Tinh thạch cùng một số Job mới. Bên cạnh đó họ còn được tặng Nanh vuốt của Nước (Fang of Water) từ Tinh thạch và hoàn trả lại cặp sừng cho Người lùn.

Nhóm giương buồm đi tới Tokkul, một ngôi làng hoang tàn. Họ biết được chuyện con quỷ Hein, quân sư của Vua Argus, đã bắt giam nhà vua, biến người dân thành nô lệ và nhổ bật gốc Cây Thần Cổ Thụ (Elder Tree) trong Khu rừng sống động (Living Woods). Họ bị quân lính của Hein tấn công và bắt sống đem tới Lâu đài Hein, thực chất chính là Cây Thần đang bay lơ lửng trên không trung.

Các Chiến binh Ánh sáng hợp sức hạ gục được Hein và khôi phục lại Cây Thần, thu nhận về Nanh vuốt của Gió (Fang of Wind). Tại Lâu đài Argus, đức vua cám ơn sự trợ giúp của nhóm bằng cách trao tặng Bánh xe Thời gian (Wheel of Time). Họ quay trở về gặp Cid, ông dùng Bánh xe để chỉnh sửa lại biến chiếc Enterprise thành một airship và kể cho bốn người về thân thế thực sự của mình. Cả họ và Cid đều đến từ vùng đất bên dưới. Airship của họ bị rơi sau khi bay vào một vùng mây bí ẩn. Hầu hết các hành khách đều thiệt mạng. 4 đứa trẻ mồ côi được Ur, Kazus và Sasune nhận về nuôi. Sau khi biết những thông tin trên, nhóm Chiến binh Ánh sáng quyết định rời khỏi lục địa lơ lửng để tìm hiểu vùng đất quê hương của mình.

Thế giới bị bóng đêm bao trùm

Thế giới bên dưới lúc này bị bao trùm bởi những vòng xoáy bóng đêm hỗn độn và chỉ có 2 hòn đảo là còn hiện ra trên bề mặt. Nhóm phát hiện ra một xác tàu trôi dạt và gặp gỡ một ông lão đang chăm nom cho vị nữ tư tế Aria Benett. Họ giúp đỡ cứu chữa cho cô gái. Khi tỉnh lại, cô nhận ra ngay họ là những Chiến binh Ánh sáng và gia nhập với nhóm để phục hồi lại Thủy Tinh thạch (Water Crystal). Bằng một mảnh pha lê, Aria mở ra con đường dẫn vào Động Thủy triểu (Cave of Tides). Trên đường đi, cô hướng dẫn cho nhóm cách khôi phục lại ánh sáng cho Tinh thạch. Khi gần tới nơi, Aria nhận ra điều gì đó và đẩy Luneth ra khỏi quỹ đạo của một mũi tên. Cô vừa ngã quỵ cũng là lúc Kraken xuất hiện tấn công cả nhóm. Bốn người đánh bại con thủy quái nhưng Aria vì vết thương quá nặng nên qua đời ngay sau đó. Đúng lúc này, một trận động đất lớn nổ ra buộc họ phải rời đi, bóng đêm cũng dần tan biến.

Nhóm tỉnh dậy ở thị trấn Amur và phát hiện ra Goldor đã xích con tàu của mình lại. Họ gặp được 4 cụ già luôn tin rằng bản thân là các Chiến binh Ánh sáng và giải cứu họ khỏi lũ quái vật ở trong đường cống thoát nước. Để cám ơn, các cụ già giúp họ lấy được đôi giày Levigrass từ bà lão cục cằn Delitah. Nhờ vật phẩm này, nhóm vượt qua được khu đầm lầy tiến vào Trang viên Goldor và tìm thấy Thổ Tinh thạch (Earth Crystal) nhưng Goldor đã phá hủy nó ngay khi bị họ đánh bại. Hoàn toàn mất tinh thần, các thành viên mở khóa con tàu Enterprise rồi rời đi.

Airship của nhóm sau đó bị bắn hạ khi đang bay qua bầu trời Vương quốc Saronia, vốn đang trong giai đoạn nội chiến do Vua Gorn gây ra. Quân đội được lệnh phải đánh lẫn nhau và tất cả hoạt động giao thương buôn bán đều bị ngưng trệ. Nhóm gặp được Hoàng tử Alus, người con trai bị trục xuất khỏi hoàng cung, trong một quán rượu nhỏ. Arc thuyết phục mọi người hỗ trợ cho hoàng tử. Họ cùng nhau trở về lâu đài. Đêm hôm đấy, Vua Gorn lẻn vào phòng với ý định giết chính con trai mình. Trong giây phút quyết định, Gorn lấy dao tự đâm vào bụng để giải thoát bản thân khỏi phép thuật do tên quân sư Gilgameth ám lên người ông. Gilgameth sau đó hiện nguyên hình là Garuda và bị nhóm nhân vật chính tiêu diệt. Alus cuối cùng được thừa kế ngai vàng và trở thành quốc vương.

Những nhà học giả báo cho nhóm biết họ vừa khai quật được airship Nautilus. Bằng phương tiện mới này nhóm bay qua Lục địa Dalg và tới Điền trang Doga để gặp nhà hiền triết Doga cùng vệ sĩ moogle của ông. Doga kể rằng ông, Unei cùng Xande trước đây đều là đồ đệ của Pháp sư Noah. Noah ban cho mỗi người một món quà: Doga được thửa hưởng sức mạnh phép thuật vô song, Unei có khả năng điều khiển thế giới của những giấc mơ còn Xande trở thành người phàm trần. Xande vô cùng tức giận và sợ hãi trước viễn cảnh về cái chết nên đã hút cạn sức mạnh của Thủy và Thổ Tinh thạch nhằm chấm dứt dòng chảy thời gian và chia cắt Lục địa bay với mặt đất. Bây giờ hắn đang âm mưu giết hết những Chiến binh Ánh sáng để lặp lại điều đó.

Cả nhóm thú nhận thất bại trong việc bảo vệ Thổ Tinh thạch nhưng Doga nói thứ trong tay Goldor chỉ là đồ giả và viên Thổ Tinh thạch thực sự vẫn an toàn. Ông gia nhập nhóm và thi triển phép Mini để dẫn mọi người vào Động Vòng Tròn (Cave of the Circle). Ở cuối hang, Doga biến đổi Nautilus thành một chiếc tàu ngầm và chỉ dẫn nhóm Chiến binh đi tới Ngôi đền Thời gian (Temple of Time) để lấy về cây đàn luýt của Noah, thứ có thể đánh thức Unei khỏi giấc ngủ vĩnh hằng. Bản thân ông thì lên đường tìm kiếm Chìa khóa Eureka.

Phù thủy Xande

Các Chiến binh Ánh sáng lấy được cây đàn và tới Điện thờ Unei để đánh thức bà dậy. Bà đưa cho họ Nanh vuốt của Lửa và khẳng định rằng cơn động đất gần Ur không phải do Xande gây ra nên chắc chắn là có một thế lực hùng mạnh hơn đứng đằng sau. Unei tham gia nhóm, giúp họ khai quật chiếc airship Invicible từ trong khu Tàn tích của người cổ đại (Ancient Ruins), có khả năng bay qua núi. Sau khi chỉ dẫn cho nhóm về chiếc phi thuyền, bà nói lời tạm biệt và nhắn nhủ hãy lớn Động Bóng đêm (Cave of Shadows) tìm chiếc nanh cuối cùng.

Nhóm tiếp tục đánh bại Hecatonchier và thu nhận Nanh vuốt của Đất. Với số Nanh có trong tay, họ vượt qua được những bức tượng Xande dựng lên để bảo vệ căn cứ địa của mình và tiến vào Mê cung của Người cổ đại (Ancient’s Labyrinth). Nhóm chiến đấu với Titan, gặp được Thổ Tinh thạch để nhận những job cuối cùng. Doga cùng Unei triệu hồi các Chiến binh về Trang viên của ông sau đó tiếp tục dịch chuyển vào Động Doga. Các vị hiền nhân giải thích rằng để kích hoạt được sức mạnh của Chìa khóa Eureka mở cánh cổng vào Tháp Tinh thạch (Crystal Tower) cần phải có linh hồn của 2 người họ, vì thế họ cần phải chết đi. Thấy cả nhóm một mực không đồng ý, Doga và Unei liền biến hình thành quái vật sau đó tấn công. Không còn cách nào khác, nhóm phải hạ gục họ. Trước khi qua đời, họ ban cho từng thành viên một tước hiệu: Luneth là Ánh sáng của lòng can đảm, Arc là Ánh sáng của lòng tốt, Refia là Ánh sáng của tình thương yêu còn Ingus là Ánh sáng của sự quyết tâm.

Đội Chiến binh băng qua Mê cung tiến vào Tháp Tinh thạch. Họ mở được cánh cửa dẫn vào Vùng đất cấm Eureka và nhận được những món vũ khí rất mạnh có thể chống lại Xande. Trên đỉnh tháp, họ tìm thấy căn phòng có một chiếc gương khổng lồ, ngay khi nhìn vào họ lập tức bị đóng băng do lời nguyền của Ngũ Long (the Five Wyrms). Linh hồn của Doga đã mang những người đồng đội từng chiến đấu bên cạnh các Chiến binh Ánh sáng đến tòa tháp để phá bỏ phép thuật này, bao gồm: Cid, Công chúa Sara, Desch (vẫn sống sót sau sự kiện bên trên), Vua Alus, và một trong số 4 cụ già ở Amur. Họ chúc phúc cho các Chiến binh trước khi họ bước qua cảnh cổng dẫn vào Thế giới Bóng đêm.

Các chiến binh gục ngã

Tại đây nhóm đối mặt với Xande, hắn tuyên bố mình là bất tử và lao vào tấn công. Ngay sau khi Xande bị đánh bại, Cloud of Darkness liên xuất hiện hấp thu cơ thể hắn, hé lộ sự thật đằng sau những hành động của Xande là do nó thao túng, với âm mưu phá hủy thế giới về hư không. Cloud of Darkness giết chết cả nhóm nhưng Doga và Unei đã hi sinh nốt cả linh hồn của mình để hồi sinh cho họ. Các Chiến binh tiếp tục đánh bại những con quái vật là Hộ vệ của Tinh thạch Bóng đêm, giải thoát cho các Chiến binh Bóng đêm cổ đại.

Khi chạm trán với Cloud of Darkness một lần nữa, bốn Chiến binh Bóng đêm đã dùng hết sức mạnh của mình để làm suy yếu kẻ địch, giúp cho nhóm Chiến binh Ánh sáng tiêu diệt được Cloud of Darkness. Ở đoạn kết, những vị anh hùng của nhân loại quay trở về với mái ấm của mình: cụ già trở lại Amur, Alus quay về vương quốc Saronia, Cid và Desch về với người mình yêu thương. Sara không muốn rời xa Ingus nên cả 2 cùng nhau sinh sống ở Lâu đài Sasune, Refia mở lò rèn tại Kazus, còn Luneth và Arc quay về Ur. Trong phiên bản Famicom, cả 4 Chiến binh Ánh sáng đều trở lại Ur.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Final Fantasy III sử dụng hệ thống đồ họa tương tự như Final Fantasy Final Fantasy II. Final Fantasy III mở rộng gameplay với sự xuất hiện của hệ thống job thay đổi được. Đây là game đầu tiên trong series có tính năng tự động xác định mục tiêu. Ở 2 phần đầu tiên, nếu nhân vật tấn công vào đối tượng đã bị tiêu diệt bởi đòn đánh trước đó thì sẽ hoàn toàn không có tác dụng gì cả và coi như bỏ phí một lượt đi.

Phiên bản Famicom cũng đã loại bỏ những trận chiến được thể hiện bằng phong cách chữ dày đặc. Nếu như 2 tựa game tiền nhiệm hiển thị đòn đánh, tên phép thuật, lượng sát thương gây ra, số lần đánh trúng cùng vô số thông tin khác ở cửa sổ ngang nằm dưới cùng màn hình; thì đến Final Fantasy III, chúng ta được thấy chỉ số sát thương ngay bên cạnh hình ảnh kẻ địch sau mỗi lần tấn công.

Poster quảng cáo in hình cover artwork cũ của Final Fantasy II và Final Fantasy III phiên bản NES, cả 2 đều không được phát hành ở US

Một thay đổi đánh chú ý khác là màu nền của các cửa sổ và menu đã được chuyển thành màu xanh thay vì đen và được giữ lại ở khá nhiều game về sau. Gameplay còn được cải tiến rất lớn khi một số nhân vật được đi kèm với dòng lệnh command độc nhất, ví dụ như Summon, Throw hay Jump.

Vào thời điểm phát hành Final Fantasy III, Square đang rất nỗ lực để đuổi kịp các loại công nghệ mới, ví dụ như hệ máy Super Nintendo vừa được phát hành, do đó họ bị thiếu nhân lực cho dự án dịch trò chơi sang tiếng Anh. Final Fantasy III là một trong những RPG có quy mô khủng nhất trên nền tảng NES/Famicom. Nó có nội dung quá lớn và băng cartridge gần như bị đầy hoàn toàn. Ngay cả khi hệ máy mới xuất hiện cũng không cung cấp đủ dung lượng để nâng cấp đồ họa, âm nhạc hay những thứ khác. Điều này khiến Final Fantasy III không được remake lên những nền tảng mới hơn trong nhiều năm sau, cho đễn khi được lại cho Nintendo DS.

CÁC PHIÊN BẢN KHÁC

Phiên bản WonderSwan Color (đã bị hủy bỏ)

Tháng 12 năm 1999, Bandai – hãng sản xuất hệ máy cầm tay WonderSwan Color đạt được thỏa thuận với Squaresoft để mang các tựa game của họ lên thiết bị này. Trong số các dự án đầu tiên được công bố có 3 phần đã ra mắt của series Final Fantasy. Tuy nhiên phiên bản WonderSwan của Final Fantasy III đã không bao giờ được hoàn thành cho dù nó đã từng xuất hiện trên trang chủ Squaresoft. Ban đầu nó được ấn định phát hành vào tháng 12 năm 2001. Trong khi bản port của Final Fantasy IV vẫn được ra mắt sau đó ít lâu thì Square giữ nguyên sự im lặng khi được hỏi về Final Fantasy III. Đến năm 2002 WonderSwan Color bị dừng sản xuất đồng thời Square cũng lặng lẽ gỡ bỏ trang chính thức của game mà không đưa ra lời thông báo cụ thể nào.

Screenshot phiên bản WonderSwan Color đã bị hủy bỏ của Final Fantasy III

Phiên bản Nintendo DS

Năm 2004, Final Fantasy III cuối cùng cũng được remake. Square đã cân nhắc đến việc phát triển nó cho PlayStation 2 tuy nhiên Nintendo lại đưa ra đề nghị mang trò chơi lên thế hệ console cầm tay mới nhất của họ là Nintendo DS.

Dự án làm lại Final Fantasy III trên Nintendo DS được hé lộ vào ngày 7 tháng 10 năm 2004 nhưng thông tin gần như chìm nghỉm trong suốt một năm sau đó. Hiromichi Tanaka, một trong những designer chính của tựa game gốc được bổ nhiệm vào vị trí producer kiêm đạo diễn. Sự chỉ đạo và giám sát của ông là điều cần thiết vì game không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc nâng cấp đồ họa như Final Fantasy I & II: Dawn of Souls đã từng làm mà sẽ là một cuộc đại tu, tận dụng hết khả năng của 3D của Nintendo DS, mặc dù hầu hết layout của các dungeon và thị trấn vẫn được giữ nguyên. Ryosuke Aiba, đạo diễn nghệ thuật của Final Fantasy XI trở thành người đảm nhận chính vị trí này cho dự án.

Akihiko Yoshida đã thiết kế lại toàn bộ dàn nhân vật gốc. Những thành viên chính được bổ sung tiểu sử, tính cách cũng như tên mặc định: Luneth, Arc, Refia và Ingus. Tuy nhiên, kịch bản gốc vẫn không có hog thay đổi so với những gì người hâm mộ đã biết.

Thay đổi lớn nhất đến từ hệ thống job, bao gồm cân bằng lại các lớp nghề nghiệp, đưa vào những kỹ năng mới, bỏ đi Capacity Point, class mặc định bị đổi thành “Bare” (“Freelancer” ở phiên bản US) còn Onion Knight thì xếp vào class riêng. Khác với phiên bản Famicom, hầu hết các job đều có vai trò riêng; những job cuối như Ninja hay Sage đều có điều chỉnh để ngang bằng hơn với những lớp nghề khác.

Nintendo và Square đã phối hợp chặt chẽ để mang Final Fantasy III lên DS, nhưng vì đây là lần đầu tiên Square tiếp xúc với phần cứng này nên họ phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Square còn hợp tác với công ty Matrix Software và sử dụng một engine được lập trình riêng để tạo nên Final Fatasy III DS.

Trò chơi tận dụng khả năng kết nối Wifi của DS để người chơi gửi tin nhắn cho nhau thông qua một hệ thống email có tên “MogNet”, khá giống với Final Fantasy IX. Không chỉ là nơi chia sẻ cảm nghĩ, MogNet còn được dùng để mở khóa và hoàn thành các nhiệm vụ phụ, hoặc gửi thử đến các NPC gặp gỡ được trên đường. Thư viện gốc mà Nintendo cung cấp cho Square không có hệ thống để liên lạc ngoại tuyến, nên Square phải làm một thư viện khác cho máy DS giúp người chơi gửi thư dạng chữ, lưu trên máy chủ và chuyển đến người nhận khi họ online.

Khi tạo ra bản remake của Final Fantasy III, Square hi vọng tất cả khách hàng đều hài lòng, cho dù đó là người đã từng chơi phiên bản gốc hay là người mới lần đầu chạm tay vào trò chơi. Rõ ràng, những fan gạo cội không hề muốn thấy sự thay đổi quá lớn trong khi game thủ phương Tây lại không thích dạng game kiểu cổ điển.

Final Fantasy III DS được phát hành tại Bắc Mỹ vào ngày 14 tháng 11 năm 2006 và Châu Âu vào ngày 4 tháng 5 năm 2007. Kẻ địch trong game mạnh hơn bản gốc do giới hạn dung lượng băng DS lúc đó gây ra trở ngại khi hiển thị số lượng lớn vật thể trên màn hình. Đến thời điểm ra mắt Final Fantasy IV DS Remake, nhược điểm này đã được khắc phục.

Phiên bản máy Nintendo DS đặc biệt

Vào ngày phát hành Final Fantasy III DS Remake, Square Enix cũng cho bán ra bộ sản phẩm đặc biệt bao gồm game và máy DS Lite Crystal White (Trắng Ngọc). Chiếc máy này được trang trí bằng hình artwork của Akihiko Yoshida ở mặt trên cùng logo Final Fantasy III và độc quyền cho thị trường Nhật Bản.

Phiên bản iOS

Final Fantasy III được port sang thiết bị chạy iOS vào ngày 24 tháng 3 năm 2011, độc quyền trên chợ ứng dụng Apple AppStore. So với DS thì bản iOS có chất lượng hình ảnh và âm thanh cao hơn.

Bản DS gốc chỉ chạy ở độ phân giải 256×192 nhưng khi lên iOS, game có thể hiển thị ở cả độ phân giải 480×320 lẫn 960×640 (với các thiết bị có màn hình Retina như iPhone 4, 4s hoặc iPod Touch thế hệ 4). Khoảng một tháng sau ngày phát hành chính thức (21 tháng 4 năm 2011), trò chơi nhận bản cập nhật để hỗ trợ màn hình 1024×768 của iPad.

Phiên bản này cũng chứng kiến vài thay đổi nhỏ ở câu hội thoại, ví dụ như hướng dẫn của NPC về đặc điểm và cách điều khiển bằng cảm ứng thay vì nút vật lý. Font chữ cũng được đổi sang font hệ thống của iOS (thường là Helvetica) với kích cỡ và khoảng cách lớn hơn.

Vì các thiết bị iPad, iPhone hay iPod Touch không có 2 màn hình nên bản iOS đã bỏ qua những nội dung hiển thị ở màn hình phụ trên máy DS.

Game không có tính năng kết nối mạng như trên Nintendo DS để tận dụng Mognet mở khóa job bí mật. Thay vào đó, nhiệm vụ này có thể được hoàn thành sau các sự kiện của Hỏa Tinh thạch (Fire Crystal).

Ở bản iOS, người chơi có thể vô hiệu hóa các trận đánh ngẫu nhiên do lỗi lập trình.

Phiên bản Android

Một số đặc điểm chính của phiên bản Android bao gồm:

  • Cải thiện nền đồ họa 3D và có thêm hậu truyện độc quyền
  • Giao diện điều khiển cảm ứng mượt mà và trực quan tối ưu hóa dành riêng cho RPG trên smartphone của Square Enix
  • Tốc độ duyệt bách khoa toàn thư về quái vật nhanh hơn
  • Thiết kế mới cho Thẻ Job Mastery

Tương tự như trên iOS, nhờ một lỗi trong mã nguồn mà ở bản Android, người chơi có thể bỏ hoàn toàn các trận đánh ngẫu nhiên.

Ngày 3 tháng 11 năm 2014, game được cập nhật để hỗ trợ Android TV.

Phiên bản PlayStation Portable

Một trailer giới thiệu bản port sang PlayStation Portable từ bản gốc DS đã xuất hiện trên trang YouTube của Square Enix với ngày ra mắt là 20 tháng 9 năm 2012 tại Nhật Bản. Lần chuyển hệ này được nâng cấp nhẹ về đồ họa, bổ sung cho mục Gallery và tùy chọn sử dụng nhạc gốc hoặc nhạc đã phối khí lại. Đồng thời game cũng có chế độ auto battle. Người chơi có thể nhận những trang bị mạnh nhất trong game thông qua kết nối không dây. Mặc dù phát hành tại thị trường nội địa nhưng trò chơi cũng đã đi kèm luôn với phần ngôn ngữ tiếng Anh.

Đến ngày 25 tháng 9 năm 2012, phiên bản PlayStation Portable được bán rộng rãi thông qua hệ thống PlayStation Network.

Phiên bản Kindle Fire

Ngày 1 tháng 11 năm 2012, Final Fantasy III được bán trên Amazon Appstore với giá $15.99, hỗ trợ Kindle Fire và Kindle Fire HD. Phần điều khiển bằng cảm ứng đã được tinh chỉnh lại, trở nên mượt mà, dễ sử dụng hơn.

Tháng 10 băn 2015, game nhận bản cập nhật trên chợ ứng dụng Amazon, không còn độc quyền cho dòng Kindle Fire nữa mà còn dành cho nhiều thiết bị Android khác. Ngoài ra lần update này còn hỗ trợ cả lưu trữ đám mây.

Phiên bản Ouya

Trò chơi từng được phát hành cho máy chơi game Android Ouya, đi kèm với phần âm nhạc đã được remaster và hình ảnh cũng có nhiều cải thiện.

Phiên bản Windows Phone

Ngày 27 tháng 12 năm 2013, Final Fantasy III xuất hiện trên chợ Windows Phone Marketplace (mà không có bất kỳ quảng cáo nào). Giống như phiên bản Windows Phone của Final Fantasy phần đầu tiên, game có 18 Xbox Archivement để mở khóa.

Người chơi sử dụng Windows Phone có thể thử qua demo có độ dài từ lúc bắt đầu New Game đến khi tới Lâu đài Sasune (lúc Ingus gia nhập nhóm). Tại thời điểm rời khỏi lâu đài, một thông báo sẽ hiện lên với đường link dẫn đến trang mua bản đầy đủ hoặc trở về màn hình ban đầu.

Phiên bản Steam

Final Fantasy III phiên bản Steam có một số nâng cấp về mặt đồ họa, bổ sung hệ thống Archivement (18 loại), tặng kèm Steam Trading Card và thiết kế mới cho thẻ Job Mastery. Game được tối ưu hóa cho PC chạy Windows Vista, 7, 8 và có tốc độ duyệt tính năng bách khoa toàn thư nhanh hơn.

Cấu hình yêu cầu tối thiểu:

OS Windows Vista, 7, 8
Processor Pentium 4, 2.4 GHz
Memory 2 GB RAM
Hard Drive 800 MB available space

Steam Trading Card

Phiên bản Steam của Final Fantasy III có đi kèm với 9 thẻ bài Steam Trading bao gồm:

TIỂU THUYẾT

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm dòng game Final Fantasy, Square Enix đã cho bán ra một cuốn tiểu thuyết về 3 phần đầu tiên của series. Có tựa đề Novel Final Fantasy I, II, III Memory of Heroes; sách được bán ra vào mùa thu năm 2012.

CÁC THÀNH VIÊN NHÓM SẢN XUẤT

Bản Famicom gốc

  • Đạo diễn Hironobu Sakaguchi
  • Producer Masafumi Miyamoto
  • Đồng thiết kế Hiromichi Tanaka, Kazuhiko Aoki, Koichi Ishii
  • Lập trình viên Nasir Gebelli, Kiyoshi Yoshii, Katsuhisa Higuchi
  • Thiết kế nhân vật và đồ họa Yoshitaka Amano
  • Đồng tác giả kịch bản Kenji Terada
  • Nhạc sĩ Nobuo Uematsu

Bản remake

  • Đạo diễn kiêm Producer điều hành Hiromichi Tanaka
  • Producer Tomoya Asano
  • Giám sát trận đánh Kazuhiko Aoki
  • Vị trí lên kế hoạch chính Hiroaki Yabuta
  • Lập trình viên Yuichi Yoshida, Shinnosuke Ohasi
  • Đạo diễn phim Kazuyuki Ikumori
  • Chỉ đạo nghệ thuật Ryosuke Aiba
  • Thiết kế nhân vật Akihiko Yoshida
  • Tranh minh họa Yoshitaka Amano
  • Thiết kế đồ họa Jin Yamuraa, Kango Sumi
  • Nhạc sĩ Nobuo Uematsu
  • Phối khí Tsuyoshi Sekito, Keiji Kawamori
  • Dịch thuật Aziz Hinoshita

COVER ART QUA CÁC THỜI KỲ

MỘT SỐ THÔNG TIN BÊN LỀ

  • Cốt truyện bản remake có sự mâu thuẫn khá lớn khi xét đến nguồn gốc của 4 nhân vật chính. Theo lời kể của Cid, họ không đến từ thế giới này, 10 năm trước họ ở trên chuyến tàu airship do Cid lái di chuyển giữa các lục địa và gặp nạn. Trong khi đó thông tin Unei cung cấp lại khác: thế giới bên dưới đã bị lãng quên 1000 năm. Vấn đề này có thể giải thích là do dòng thời gian bị bóp méo lúc bóng đêm bao trùm. Có thể airship của Cid đã bị đóng băng trong hố đen thời gian 1000 năm cho đến khi được sức mạnh của Tinh thạch giải thoát.
  • Năm 1999, Final Fantasy III được Neill Corlett và Alex W. Jackson chuyển thể sang tiếng Anh (fan-translation).
  • Final Fantasy III là phần đầu tiên trong series có các nhân vật điều khiển được là trẻ con.
  • Trong bản remake, mỗi nhân vật đều có thể gây ra sát thương lớn hơn 9999. Mặc dù game chỉ hiển thị con số 9999 nhưng thực ra lượng HP bị mất của kẻ địch do đòn đánh vẫn được tính theo số thực tế gây ra.
  • Final Fantasy III đánh dấu sự ra mắt của moogle và fat chocobo.
  • Nhiệm vụ “đi vòng quanh thế giới bằng chocobo để nhận thưởng” được khởi nguồn tử chính Final Fantasy III, về sau được lặp lại trong Final Fantasy V.
  • Final Fantasy III là game đầu tiên trong series hiển thị trực quan lượng HP bị mất hoặc hồi phục thay vì sử dụng dòng chữ mô tả như 2 phần trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên người chơi biết đến chế độ tự động chọn mục tiêu và nhạc nền đặc biệt dành riêng cho các trận đấu trùm. Tất cả những yếu tố này đều được nhà sản xuất áp dụng lại khi remake Final Fantasy Final Fantasy II.
  • Cái tên Doga và Unei, 2 nhân vật quan trọng trong Final Fantasy III về sau tiếp tục xuất hiện trong một số game Final Fantasy khác, ví dụ như Final Fantasy IX với một nhiệm vụ phụ liên quan đến 2 vật phẩm “Doga’s Artifact” và “Une’s Mirror”, dùng để mở khóa nhạc nền ẩn “Doga and Une” tại Làng Black Mage.
  • Một số bản nhạc trong game được đưa vào trò chơi Chocobo Racing, có thể kể đến nhạc mở đầu (Crystal Cave) hay nhạc của trận chiến với trùm cuối.
  • Bản nhạc phát ở thị trấn Amur về sau được dùng để tạo ra ca khúc “Cloud Smiles” trong Final Fantasy VII: Advent Children.
  • Ý định ban đầu trong cốt truyện của bản DS là để cho Luneth, Arc, Refia cùng Ingus làm trẻ mồ côi được Topapa nuôi dưỡng, tương tự phiên bản NES; tuy nhiên cuối cùng nội dung này đã bị thay đổi để từng cá nhân đều có tiểu sử riêng biệt.
  • Trong Final Fantasy 20th Anniversary (phiên bản cho PSP) và Final Fantasy I & II: Dawn of Souls (trên Gameboy Advance), những con quái vật Two Head Dragon, Echidna, Cerberus và Ahriman xuất hiện dưới dạng quái trùm trong dungeon phụ Earthgift Shrine và nhạc nền là bản Battle 2. Trong Final Fantasy IV: The After Year, chúng tiếp tục quay trở lại với vai trò vệ thần cho các tinh thạch của True Moon.
  • Ở bản Famicom, có một cô bé nấp trong căn phòng ở phía đông thị trấn Gysahl đưa ra đề nghị để người chơi viết đóng góp cho Square, đi kèm với một địa chỉ email nơi nhận thư.
  • Ở Ur và Amur, có một số cây đàn piano mà Luneth và đồng đội có thể chơi. Sau khi kết thúc game sẽ ngẫu nhiên phát ra âm thanh chế giễu hoặc vỗ tay tán dương.

Final Fantasy Fan Club VN

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.