Final Fantasy XV Review

10 năm là một con số không hề nhỏ với một đời người, và khi nói đến thời gian để phát triển một trò chơi điện tử thì đây quả là một con số không tưởng. Có thể sẽ có nhiều người thắc mắc “tại sao lại cần tới chừng ấy thời gian chỉ để cho ra lò một tựa game?”. Cuộc sống đôi khi có những trắc trở khiến mục tiêu của bạn phải tốn nhiều công sức và thì giờ mới đạt được. Đối với trường hợp của Final Fantasy XV, rất nhiều những thay đổi, rất nhiều sóng gió đã khiến trò chơi này sau đúng 10 năm mới đến được với thế giới game thủ. Đáp lại sự chờ đợi mòn mỏi cùng những kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ, liệu Final Fantasy XV có phải là một đền đáp xứng đáng của nhà sản xuất? Chúng ta hãy cùng phân tích và đi tìm câu trả lời.

Nhìn lại lịch sử

Tháng 5 năm 2006, hội chợ Electronic Entertainment Expo (E3) được tổ chức tại Los Angeles. Tại đây hãng Square Enix đã lần đầu công bố series Fabula Nova Crystallis Final Fantasy (dịch theo tiếng Latin là “Câu chuyện mới về Crystal”), tập hợp của nhiều tựa game kể về những thế giới khác nhau nhưng cùng dựa trên một truyền thuyết về những viên tinh thạch. Dự án này được xây dựng bằng engine Crystal Tools thuộc quyền sở hữu của chính Square Enix. Ba cái tên đầu tiên được hé lộ là Final Fantasy XIII, Final Fantasy Agito XIII Final Fantasy Versus XIII. Trong đó Versus XIII nhận được rất  nhiều sự quan tâm do phương châm xây dựng một thế giới “fantasy based on reality” cùng phong cách đậm chất đen tối.

Ban đầu game được giao cho Tetsuya Nomura làm đạo diễn. Ông cũng là người phác họa nên ý tưởng về kịch bản cũng như thiết kế các nhân vật chính cho trò chơi. Mục tiêu của Nomura là tạo ra một tác phẩm Final Fantasy khác hoàn toàn với những gì chúng ta thường thấy ở series này.

Tất cả các thành viên thuộc gia đình Fabula Nova Crystallis đều bị trì hoãn vì nhiều nguyên nhân. Mãi đến năm 2009, Final Fantasy XIII mới được ra mắt. Tiếp sau đó là Final Fantasy Type-0 (vốn là Final Fantasy Agito XIII được đổi tên) vào năm 2011. Người anh em được mong chờ nhất Versus XIII thì lại không được may mắn như vậy. Tình trạng của game tiến triển rất chậm, các thành viên của nhóm đảm trách phải làm việc khi mà chưa có một hướng đi nào rõ ràng. Tất cả những gì chúng ta biết về nó chỉ là một vài trailer cực kỳ hấp dẫn và những ý tưởng manh mún. Nhưng cũng chính vì thế mà người hâm mộ càng mong ngóng hơn vì họ đang kỳ vọng vào một món ăn có khẩu vị khác lạ.

Năm 2007, quy mô của dự án làm dấy lên ý kiến về việc đưa nó trở thành phần tiếp theo trong series chính chứ không phải là một game spin-off. Đến năm 2012 việc phát triển bị chấm dứt và trò chơi chính thức được đổi tên thành Final Fantasy XV vào năm 2013. Hệ máy mà nhà sản xuất lựa chọn cũng bị chuyển thành PlayStation 4 và Xbox One thay vì PlayStation 3 kéo theo việc engine phát triển phải sử dụng Luminous Engine. Tuy nhiên có lẽ biến động lớn nhất chính là vị trí đạo diễn đã được giao cho Hajime Tabata, người trước đây từng tham gia vào Crisis Core: Final Fantasy VIIFinal Fantasy Type-0. Hệ quả là trò chơi đã có rất nhiều thay đổi so với những gì chúng ta từng biết trước đó, từ kịch bản cho đến nhân vật, gameplay.

Tháng 3 năm 2016, tại sự kiện Uncovered: Final Fantasy XV diễn ra ở Hollywood, trò chơi được xác nhận sẽ phát hành vào ngày 30 tháng 9 năm 2016. Nhưng số phận long đong lận đận có vẻ vẫn chưa buông tha khi mà nó tiếp tục bị dời ngày ra mắt. Và cuối cùng, ngày 29 tháng 11 năm 2016, tựa game được mong chờ 10 năm cũng chính thức được trao đến tay người hâm mộ trên toàn thế giới.

Cốt truyện chính

Lục địa Eos thời cổ đại chứng kiến sự phồn vinh của nền văn minh Solheim. Khi đất nước Solheim đang cực thịnh, một trong sáu vị thần Astral của thế giới – Ifrit – phản bội dẫn đến cuộc xung đột mà ngày nay vẫn được biết đến là Cuộc đại chiến thời xa xưa (Great War of Old). Hậu quả của sự kiện này là một loại bệnh dịch phát tán khắp nơi khiến hàng triệu người thiệt mạng, Solheim hoàn toàn sụp đổ. Các vị thần đã lựa chọn ra 2 nhân vật để giúp loài người có thể sinh tồn: Nhà tiên tri (The Oracle) – một phụ nữ thuộc gia tộc Fleuret; người còn lại thuộc dòng họ Lucis Caelum, được nhận 2 món quà là tinh thạch Crystal cùng chiếc nhẫn thánh Lucii và lên làm vua. Nhờ những cổ vật này, Đức Vua đã chấm dứt được tai họa. Từ đống tro tàn, 4 quốc gia mới được thành lập bao gồm Vương quốc Lucis; Tenebrae (dẫn dắt bởi các Nhà tiên tri); liên minh các thành trì độc lập Accordo; và Đế quốc Niflheim do nhà Aldercapt đứng đầu.

Trải qua nhiều thế kỷ hòa bình, Niflheim với dã tâm mở rộng thuộc địa đã đi gây chiến với các quốc gia láng giềng. Nhờ tiến bộ trong khoa học công nghệ, đế quốc này lần lượt chinh phục tất cả các vùng đất. Trở ngại cuối cùng còn lại là thủ phủ Insomnia của Lucis khi mà Đức Vua dựng nên một bức tường bảo vệ cho thành phố bằng sức mạnh của Crystal. Các đời kế vị nhà Lucis đều sử dụng sức lực của mình để duy trì bức màn chắn này.

Năm M.E.756, nhận thấy không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nilfheim, Vua Regis chấp nhận ký vào hiệp định hòa bình, giao tất cả lãnh thổ của Lucis ngoại trừ Insomnia cho Nilfheim. Một trong những điều khoản của hiệp định này yêu cầu hoàng tử Noctis Lucis Caelum phải kết hôn với Nhà tiên tri Lunafreya Nox Fleuret, cũng là người bạn thân thiết của cậu từ thuở nhỏ. Khi Noctis đang trên đường đến thành phố Altissia để thực hiện lễ cưới, Đế quốc Niflheim đột ngột trở mặt, phá hủy kinh đô Insomnia, Vua Regis cùng các thành viên hoàng tộc đều bị giết hại.

Câu chuyện của Final Fantasy XV theo chân hoàng tử Noctis trên con đường đánh bại kẻ thù của mình và giành lại độc lập cho quê nhà.

Giới thiệu nhân vật

Không giống như các tựa game Final Fantasy trước đây, Final Fantasy XV không có nhiều nhân vật tham gia nhóm chính. Chúng ta sẽ chỉ có 4 thành viên nam xuyên suốt từ đầu đến cuối. Trong một số trường đoạn game sẽ cho một số nhân vật phụ gia nhập hỗ trợ người chơi.

Noctis Lucis Caelum
Hoàng tử của Vương quốc Lucis, người mang trong mình trọng trách lớn lao là giải phóng cho đất nước. Noct từng có một tuổi thơ không mấy tốt đẹp khi mẹ mất sớm, bản thân thì bị bệnh tật phải đến chữa trị tại Tenebrae. Anh không phải là một hình mẫu nhân vật chính lý tưởng mà vẫn có những nỗi sợ hãi, sự chùn bước trước khó khăn. Có thể sẽ có người không thích Noct nhưng chính tính cách này khiến chúng ta thấy anh giống với một "con người" thật sự hơn.
Ignis Scientia
Ignis được nuôi dậy để trở thành quân sư cho Noctis. Được học hành bài bản, anh và Noct hiểu nhau rất rõ và có lòng tin tuyệt đối. Bên cạnh kỹ năng chiến đấu thượng thừa bằng dao găm, anh còn là một đầu bếp tài ba, đảm nhiệm vị trí đầu bếp trong nhóm.
Gladiolus Amicitia
Con trai cả thừa kế dòng họ vương giả Amiticia, những người đã thề luôn trung thành với Nhà vua. Quan hệ giữa anh và Noctis không đơn thuần là vì nhiệm vụ mà còn là những người anh em.
Prompto Argentum
Thành viên trẻ tuổi nhất và cũng là người duy nhất không thuộc dòng dõi hoàng gia. Anh là người bạn lâu năm của Noctis, có sở thích chụp ảnh. Sự vô tư nhí nhố của nhân vật này góp phần làm cho hành trình của người chơi bớt nhàm chán.

Ngoài dàn boyband chính kể trên, game còn có một số nhân vật nổi bật khác:

Lunafreya Nox Fleret
Con gái của gia tộc Fleuret xứ Tenebrae, bạn rất thân thời niên thiếu của Noctis. Sau cái chết của mẹ cô, nữ hoàng Sylva, cô trở thành Nhà tiên tri - người có khả năng giao tiếp với các vị Thần. Đám cưới giữa Luna và Noctis là một phần trong hiệp định hòa bình mà Lucis và Nilfheim ký kết. Bản thân 2 người cũng có những tình cảm đặc biệt dành cho nhau.
Cindy Aurum
Cháu gái của Cid và là nữ thợ máy giúp cho người chơi sửa chữa, thay thế phụ tùng và tùy biến chiếc xe Regalia, phương tiện di chuyển chính trong game.
Ardyn Izunia
Đại pháp quan của Niflheim, có vai trò quan trọng trong cốt truyện của Final Fantasy XV

Đánh giá gameplay

Một Final Fantasy đậm chất hành động

Thương hiệu Final Fantasy vốn gắn liền với cách chơi theo lượt (turn-based) truyền thống, nhất là với game thuộc mainline. Tuy nhiên, với Final Fantasy XV, Square Enix đã có những bước đột phá táo bạo khi đưa trò chơi theo hướng hành động nhập vai. Cũng dễ hiểu khi mà khẩu vị hiện nay của giới game thủ đã khác so với ngày trước. Hệ thống chiến đấu trong game là Actice Cross Battle giúp cho các trận giao tranh có nhịp độ nhanh hơn, máu lửa hơn, đòi hỏi người chơi phải có những kỹ năng nhất định nếu không muốn làm mồi ngon cho kẻ thù.

Có một điều đáng tiếc là game chỉ cho chúng ta điều khiển 1 nhân vật duy nhất là Noctis. Các thành viên còn lại đóng vai trò hỗ trợ, tấn công kẻ địch xung quanh, hồi máu. Bù lại, nhà sản xuất đã có điều kiện để phát triển các đòn đánh đặc trưng cho vị hoàng tử của chúng ta. Thú vị nhất phải kể đến kỹ năng Warp Strike, đòn đánh cực mạnh mà chỉ Noctis mới có. Về cơ bản, Noctis sẽ phóng vũ khí đang cầm về phía kẻ địch, khoảng cách càng xa thì sát thương gây ra càng lớn. Tốc độ thi triển cũng tùy thuộc vào từng loại “hàng” mà bạn dùng. Ví dụ khi cầm dao găm, kiếm nhẹ thì gần như đòn thế sẽ diễn ra ngay lập tức. Nhưng khi trang bị trường kiếm nặng thì phải mất thời gian hơn một chút. Tất cả những gì bạn cần làm là giữ R1 để khóa mục tiêu và tam giác để warp. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa combo thông thường, Warp Strike, đỡ đòn và phản đòn sẽ giúp cho bạn có được kết quả tốt nhất trong mỗi lần giao tranh nhất là khi đi vào dungeon. Tuy nhiên Warp Strike sẽ tiêu tốn MP nên các bạn cần chú ý thanh năng lượng này.

Noctis có khả năng trang bị tối đa 4 loại vũ khí/khiên khác nhau, mỗi loại sẽ có tác dụng riêng như tăng sức mạnh, tăng tốc độ hay tăng lượng MP. Tùy từng trường hợp cụ thể, người chơi phải có được sự kết hợp hoàn hảo nhất để chiến đấu có hiệu quả và dễ thở hơn. Việc thay đổi vũ khí cũng được diễn ra hết sức nhanh chóng ngay trong trận đánh bằng các nút di chuyển.

Bên cạnh những loại thông dụng như kiếm, súng, khiên v.v…, game còn có series 13 loại Royal Arm – những vũ khí cổ xưa của các bậc minh quân Lucis. Mỗi vị vua xứ sở này đều có một món trang bị ưa thích và Noctis sẽ thu hồi được chúng trên hành trình của mình. Chỉ số của mỗi món đồ này đều rất cao, tăng nhiều sức mạnh cho Noctis nhưng nhược điểm là nếu sử dụng làm vũ khí chính, chúng sẽ rút đi HP mỗi lần trúng mục tiêu. Do đó người chơi cần cân nhắc kỹ. Ở giai đoạn sau của game, Noctis sẽ mở khóa được tuyệt chiêu Armiger, cho phép triệu hồi tất cả các Royal Arm để tấn công cùng lúc với những hiệu ứng vô cùng đẹp mắt.

Nếu từng chơi qua một game Final Fantasy nào đó, chắc hẳn bạn cũng biết đến Spell (phép thuật) cùng những Black Mage, White Mage hoặc Red Mage. Chúng ta có thể bắt gặp Magic ở bất kỳ tựa game nào thuộc series. Trong Final Fantasy XV, nhà sản xuất đã đổi mới khía cạnh này rất nhiều. Sẽ không còn việc học một loại phép nào đó hay tiêu tốn MP để thi triển. Thay vào đó người chơi sẽ phải chế tạo (Craft) từ những nguyên liệu mình có. Trong thế giới Eos có 3 loại nguyên tố giúp tạo Spell là Ice (băng), Fire (lửa) và Thunder (sấm sét). Các nguyên tố này được Noctis thu thập từ các điểm lưu trữ ở khắp nơi, thông thường là xung quanh một điểm cắm trại. Sau khi có được nguyên tố cần thiết, bạn có thể kết hợp chúng với một loại Item nào đó để có thêm các hiệu ứng đặc biệt. Đó có thể là Spell giúp tăng lượng EXP (điểm kinh nghiệm) nhận được, hay nâng lên cấp độ cao hơn. Việc chế tạo này có thể khiến bạn mất tương đối nhiều thời gian để tìm hiểu các công thức. Spell có sức sát thương vô cùng lớn nên các bạn hãy sử dụng thường xuyên, đôi khi đó lại là quân bài để lật ngược tình thế. Có một điều cần lưu ý là chính bạn và đồng đội cũng có thể bị chịu tác động của phép thuật do chúng có phạm vi ảnh hưởng trong một khoảng không gian nhất định.

Việc lên Level (cấp) ở tựa game này cũng khá đặc biệt. Bạn sẽ vẫn thu được EXP khi hạ gục đối thủ hay hoàn thành một nhiệm vụ tuy nhiên lượng điểm đó không cộng ngay như thông thường mà sẽ tích tụ lại và chỉ khi bạn lựa chọn nghỉ ngơi tại khu cắm trại, nhà nghỉ hay khách sạn thì mới bắt đầu tăng vào cho nhân vật. Có những địa điểm cho phép nhân số lượng EXP kiếm được từ 1.2 đến tối đa là 3 lần. Nếu bạn là người chăm chỉ thì có thể lên Level tối đa một cách cực kỳ dễ dàng.

Cốt lõi sức mạnh của người chơi trong Final Fantasy XV xoay quanh hệ thống cây kỹ năng Ascension, cho phép bạn xây dựng nhân vật của mình theo hướng mong muốn. Để mở khóa các ô trong hệ thống này, bạn cần đến điểm AP (Ability Point). Có nhiều cách để có AP như di chuyển quãng đường xa bằng xe ô tô hoặc chocobo, hoàn thành một số mục tiêu trong các trận chiến v.v…, tuy nhiên cách dễ dàng nhất là kết liễu kẻ địch bằng Warp Strike. Mở hết 100% bảng Ascension là một công việc rất mất thời gian, đòi hỏi bạn có tính kiên nhẫn và có một số mẹo nhất định. Khi mới bắt đầu chơi các bạn nên chú ý đến phần kỹ năng đặc biệt (Technique) của từng nhân vật vì bạn sẽ phải sử dụng khá nhiều. Có thể kể đến kỹ năng Enhancement (tăng sức tấn công cho Noctis dựa trên điểm yếu của đối phương) và Regroup (tập hợp các thành viên lại để cứu chữa cho người đang bị nguy hiểm) của Ignis. Đỉnh cao của Technique chính là chiêu Limit Break gây sát thương cực kỳ lớn.

Bạn là mẫu người thích sự thảnh thơi, vừa nhâm nhi tách trà vừa thưởng thức một trò chơi thì Square Enix cũng dành riêng cho bạn chế độ Wait Mode. Người chơi hoàn toàn có thể thay đổi qua lại giữa các phong cách trong quá trình khám phá thế giới vào bất kỳ lúc nào. Lúc này thay vì hành động thời gian thực, game sẽ dừng lại một chút để bạn suy nghĩ và đưa ra các quyết định mang tính chiến thuật, rất hữu ích trong các cuộc chạm trán khó nhằn hay cần sự chính xác cao.

Final Fantasy XV đi theo cách mà Final Fantasy XII hay XIII lựa chọn, đó là bỏ đi các trận đánh ngẫu nhiên (random battle) truyền thống, thay vào đó kẻ địch xuất hiện ngay trên bản đồ, việc đánh hay không do người chơi tự quyết định. Khi đến gần sẽ có một thanh màu đỏ xuất hiện báo hiệu bạn đã bị phát hiện hay chưa. Ngoại trừ ban đêm, khi lang thang ra khỏi các khu dân cư bạn có thể phải chạm trán bất ngờ với những ác quỷ (demon) cực kỳ khó chịu. Hãy cân nhắc việc di chuyển khi mặt trời đã khuất bóng nếu nhân vật chưa đủ mạnh.

Một thế giới mở rộng lớn

Khi mà thế giới đang chạy theo trào lưu của những Skyrim, The Witcher hay Grand Theft Auto, Final Fantasy cũng phải tự làm mới mình để bắt kịp thời đại và chinh phục được nhiều game thủ hơn. Giống như các trò chơi kể trên, Final Fantays XV đưa chúng ta vào thế giới mở vô cùng hùng vĩ. Tại đó người chơi được tự do tìm hiểu, khám phá, vùng vẫy theo ý thích.

Bạn không thể chạy bộ khắp chiều dài của bản đồ được mà phải sử dụng phương tiện chính là siêu xe Regalia nhằm tiết kiệm thời gian. Khi mới làm quen với trò chơi này, chắc hẳn nhiều người sẽ dành hàng giờ đồng hồ để đi qua những con đường dài đằng đẵng, ngắm nhìn những kỳ quan mà các nhà thiết kế đã dày công xây dựng mà không gặp bất cứ giới hạn nào. Regalia cũng được trang bị một chiếc radio phát các bản nhạc lấy từ những game Final Fantasy trước, rất thích hợp với những ai thích hoài cổ. Bên cạnh nhiệm vụ chính theo cốt truyện, game cung cấp cho chúng ta một hệ thống nhiệm vụ phụ cực kỳ đồ sộ về số lượng, đa dạng về chủng loại. Đó có thể là một cuộc đi săn Bounty Hunter nguy hiểm, hay đơn giản chỉ là thu thập một vật phẩm nào đó. Sau khi hoàn thành, phần thưởng cho bạn là những đồ quý hiếm, Gil (đơn vị tiền tệ trong game) hoặc EXP. Làm side-quest cũng là cơ hội không thể tốt hơn để bạn du hành, lục lọi từng ngõ ngách của trò chơi. Nhiệm vụ cứ nối tiếp nhau khiến bạn vô cùng bận rộn và có thể mất hàng chục, thậm trí hàng trăm giờ đồng hồ nếu muốn thực hiện hết.

Cũng từ các nhiệm vụ mà có thể bạn sẽ vô tình đi vào một trong những điểm đáng tiền nhất của game, đó là các dungeon. Mò mẫm trong một căn hầm hay hang động tối tăm, người chơi phải đối đầu với những kẻ địch hùng mạnh, xuất hiện bất thình lình từ trong bóng tối. Những vũ khí mạnh nhất cũng nằm ẩn sau trong các dungeon này. Nếu không cẩn thận, bạn có thể phải mất vài giờ đồng hồ mới đi được đến điểm cuối và giải mã được hết các bí mật. Hãy tự mình trải nghiệm cơn ác mộng mang tên Costlemark Tower hay Pitioss Ruins, chắc chắn bạn phải nhớ mãi.

Một món gia vị khác của thế giới mở trong Final Fantasy XV là việc đưa vào kỹ năng độc đáo cho từng nhân vật. Ignis với biệt tài nấu nướng đảm nhiệm công tác lấp đầy dạ dày cho cả nhóm. Mỗi món ăn đều có tác dụng hỗ trợ trong chiến đấu và được thiết kế cực kỳ đẹp mắt, có thể khiến bạn chảy nước miếng khi đang đói bụng. Promto lại rất thích chụp ảnh, càng lên cấp độ cao anh chàng này càng cho ra được những bức hình đẹp mắt hơn. Kỹ năng sinh tồn của Gladio giúp bạn thu thập được một vài thứ hữu ích như Potion, Elixir hay Rare Coin (dùng để tăng lượng EXP nhận được) v.v… Còn với Noctis thì là sở thích câu cá. Tuy không được mô phỏng giống thật hoàn toàn nhưng cũng đủ khiến bạn thích thú. Có những con “thủy quái” đòi hỏi người chơi vừa phải kiên nhẫn, vừa có sự khéo léo để kéo chúng lên khỏi mặt nước.

Như đã nói ở trên, Regalia là phương tiện chính của bạn trong game, do đó nó cũng được chăm sóc tương đối kỹ càng với tính năng mod đồ. Hãy tới gặp Cidney và cô ấy sẽ giúp bạn trang hoàng cho xế cưng của mình. Bạn có thể thay thế phụ tùng, đổi màu sắc, thậm chí là biến nó thành chiếc máy bay Regalia Type-F ở phần cuối trò chơi. Chiếc xe bay này chính là biện pháp mà nhà sản xuất sử dụng để mang airship vào cho người chơi. Ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao cũng là một cảm giác thú vị. Nhưng hãy coi chừng vì nếu bạn hạ cánh sai phương pháp, Game Over sẽ là dòng chữ mà bạn nhìn thấy nên hãy luyện tập sao cho thành thục.

Có thể nói, xét trên phương diện gameplay, đạo diễn Hajime Tabata cùng các cộng sự đã làm rất tốt công việc của mình. Tất cả những chi tiết từ nhỏ đến lớn đã tạo nên một Final Fantasy XV rất sống động, thú vị.

Hình – Âm vẹn toàn

Tuy không phải là sản phẩm có đồ họa xuất sắc nhất của thế giới PlayStation 4 nhưng đội ngũ thiết kế của Square Enix cũng đã ghi được dấu ấn đậm nét. Họ đã thành công trong việc tạo ra một thế giới Eos hùng vĩ, có độ chi tiết cao. Từ hoang mạc Leide cằn cỗi đến cao nguyên xanh mát Duscae, từ thiên thạch The Disc đến núi lửa The Rock of Ravatogh, tất cả đều khiến người chơi không khỏi trầm trồ khi ghé qua. Người viết đặc biệt thích thành phố biển Altissia. Nơi đây được xây dựng lấy cảm hứng từ thành phố Venice của Ý với những dòng kênh chạy khắp nơi và phương tiện di chuyển là thuyền gondola. Nhà sản xuất cho biết nhóm đảm nhiệm phần ngoại cảnh đã phải đi thực địa nhiều nơi, thậm chí phải chui vào những hang động tối tăm để có được tư liệu tốt nhất.

Mô hình nhân vật cũng được chăm chút kỹ lưỡng, từ chính đến phụ. Biểu cảm khuôn mặt và hành động tương đối tốt nhờ vào kỹ thuật motion-capture tiên tiến. Tuy đôi chỗ chúng ta còn bắt gặp răng cưa nhưng tựu chung hình ảnh của Final Fantasy XV vẫn khá xuất sắc.

Để đánh giá về âm nhạc thì chỉ có một từ để miêu tả, đó là “hoàn hảo”. Những âm thanh bình thường đều được mô phỏng giống thực tế nhất có thể. Xét đến nhạc nền, quả thực nhạc sĩ Yoko Shimomura đã mang đến những tuyệt phẩm quá hay. Đôi lúc bạn chỉ muốn dừng chân để nghe đi nghe lại một giai điệu nào đó. OST của game có đầy đủ các sắc thái từ du dương đến hùng tráng, bi thương. Ca khúc chủ đề “Stand by me” do Florance + The Machine trình bày tuy không gây ấn tượng như những Suteki da ne?, Melodies of Life hay Eyes on me nhưng vẫn đủ đi vào lòng người và nêu bật được chủ đề chính của game là tình anh em và tình phụ tử. Thật sự không ngoa nếu nói Final Fantasy XV thuộc hàng top những game có OST hay nhất.

Những điểm trừ không đáng có

Cốt truyện sơ sài, khó hiểu

Từ xưa đến nay dòng game Final Fantasy luôn nổi tiếng với kịch bản cực kỳ hay và sâu sắc. Chính cốt truyện là lí do rất nhiều game thủ hâm mộ series này. Mỗi phiên bản là một câu chuyện với đầy đủ các cung bậc, tình yêu có, thù hận có, lắng đọng có. Thế nhưng khi thực hiện phần chính thứ 15 này, có vẻ nhà sản xuất đã quá xem nhẹ khía cạnh có thể coi là quan trọng nhất. Không phủ nhận cách thực hiện độc đáo của nhóm phát triển là tung ra bộ phim CGI Kingsglaive: Final Fantasy XV và anime Final Fantasy XV: Brotherhood dẫn dắt vào các sự kiện diễn ra trong game, nhưng có một vấn đề là ai chưa xem 2 bộ phim đó thì sẽ cảm thấy khá bối rối khi tiếp cận với kịch bản trò chơi.

Tuy nhiên đó chưa phải vấn đề đáng để nói nhất. Cách thức nhà sản xuất dẫn dắt người chơi mới là điều tệ hại. Bất kỳ ai hoàn thành phần mạch truyện chính đều phải đặt vô vàn dấu chấm hỏi. Quá nhiều sự kiện bị off-screen, bạn chỉ biết đến kết quả mà không hiểu tại sao nó lại như thế. Mọi nhân vật đều mờ nhạt và không để lại ấn tượng nhiều. Chắc các bạn sẽ phải tự hỏi vai trò của Luna trong game là gì? Vua Iedolas Aldercapt của Niflheim xuất hiện vô cùng nguy hiểm nhưng chẳng có tí đất diễn nào? Càng về cuối kịch bản càng bị đẩy nhanh một cách vội vã. Thật sự không thể hiểu được dụng ý của tác giả ở đây là gì. Nhưng dù thế nào thì kết quả cũng là không khả quan là bao.

Khi được nghe giới thiệu về Final Fantasy XV, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ đến chuyện tình lãng mạn giữa Luna và Noctis nhưng đáng tiếc kịch bản lại mô tả mối quan hệ này một cách hời hợt, mang đến cảm giác miễn cưỡng. Đạo diễn Tabata từng nói tình cha con là một phần quan trọng của game nhưng bản thân người viết cũng không thấy được điều gì đáng nhớ về mặt này cả. Có chăng điều rõ ràng nhất là tình bạn của bốn nam chính, gắn bó keo sơn, sinh tử có nhau. Cái kết “cố gắng” lấy đi nước mắt của người chơi rõ ràng không cứu vãn nổi tình thế. Thực sự đây là phần có cốt truyện đáng thất vọng nhất trong các phiên bản có đánh số của Final Fantasy.

Camera khó chịu

Cơ chế chiến đấu hành động thời gian thực giúp trò chơi có nhịp độ nhanh và cuốn hút. Nhưng nó lại là con dao hai lưỡi khi mà camera phải thay đổi liên tục để game thủ bao quát được tình hình. Việc tối ưu không tốt dẫn đến góc quay trong game khiến nhiều người thấy khó chịu. Đặc biệt là khi đối mặt với những con quái vật khổng lồ, bạn sẽ chẳng nhìn thấy gì ngoài chân và người của chúng. Tuy nhiên nếu làm quen được thì cũng không phải là vấn đề to tát.

Nhiều lỗi vụn vặt

Đây là lần đầu tiên Square Enix tiếp cận với game thế giới mở nên các lỗi, bug là điều không thể tránh khỏi. Trong quá trình chơi bạn có thể gặp những tình huống khá nực cười như nhân vật bị xe ô tô cuốn đi hay mắc kẹt ở một vị trí nào đó. Rất may là những tình huống như thế xuất hiện không thường xuyên và không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm. Nhà sản xuất cũng đang tích cực tung ra các bản vá lỗi nhằm hoàn thiện hơn sản phẩm của mình.

Kết luận

Nếu được hỏi “Bạn có thích Final Fantasy XV hay không?”, bản thân mình vẫn sẽ trả lời là có. Thế nhưng với câu hỏi “Final Fantays XV có xứng đáng với mong đợi hay không?” thì đáp án lại là không. 10 năm thai nghén với rất nhiều những thay đổi, từ chính đội ngũ nhân sự cho đến nội dung của trò chơi, nhưng Final Fantasy XV vẫn còn thiếu nhiều thứ để trở thành một siêu phẩm thực sự. Có lẽ 10 năm vẫn là chưa đủ để game đạt đến độ chín muồi, hoàn thiện được tất cả các mặt. Giá như Square Enix và Hajime Tabata không quá nóng vội thì có lẽ chúng ta đã được trên tay một tựa game xứng đáng ở vị trí làm thay đổi lịch sử của series đã 30 năm tuổi.

Dù sao trên kệ game của bạn vẫn nên có chỗ đứng dành cho Final Fantasy XV. Nó đủ sức hấp dẫn để bạn mất ăn mất ngủ đắm chìm bên chiếc PlayStation 4 của mình.

7.8
Khá
  • Gameplay 8
  • Hình ảnh 8
  • Âm thanh 10
  • Cốt truyện 5
You might also like
1 Comment
  1. killer_power says

    camera là bực mình nhất. chạy toàn phải tự xoay ra camera. kô thì chả biết lối nào để đi. rất khó đánh quái với cái kiểu camera như vậy hoặc là bị kẹt một góc nào đó cũng chỉ vì camera. lỗi thì kô đáng kể. tạm chấp nhận được. ví dụ xe cua tự đâm vào rào chắn khi dùng tự động lái.

Leave A Reply

Your email address will not be published.