Góc nhìn thể nghiệm về nhóm biểu tượng trong FINAL FANTASY X

Biểu tượng không chỉ nói lên ý nghĩa mà còn là lịch sử, nghệ thuật của cả một hệ tư tưởng.

Khi còn trẻ, lúc mới bắt đầu được tiếp xúc với video game, tôi đã bị cuốn hút bởi những hình ảnh thơ mộng đẹp đẽ vốn không được nhìn nhận một cách kỹ lưỡng bởi đại đa số những người được thấy nó lúc bấy giờ, và có thể là cho tới tận ngày nay cũng vẫn như vậy. Đó, cũng có khi là một phần lý do mà sau này khi lớn lên, tôi chọn học ngành thiết kế, bởi vì tôi luôn yêu cái đẹp và cái xúc cảm thôi thúc bên trong tôi luôn phải xem xét, giải phẫu những gì mình thấy được để tìm cho ra gốc rễ của sự việc, lý giải vì đâu mà những gì chúng ta thấy được tạo ra. Và Final Fantasy trở thành một trong những nền tảng cho sự khám phá sau này của tôi. Lúc bấy giờ tựa game đầu tiên tôi chơi chỉ là phần VIII, sau đó một ngày không mấy đẹp trời tôi được biết đến X. Kí ức được đọng lại lúc ấy rõ mồn một khi lần đầu được nhìn thấy cảnh tượng huy hoàng một thời của Zanarkand, những công trình kiến trúc ảo diệu và những chạm khắc, những họa tiết biểu tượng không chỉ của một phần tín ngưỡng mà còn là niềm kiêu hãnh của cả một nền văn hóa, nghệ thuật. Bẵng đi một thời gian dài sau này, tôi mới có dịp thử tìm hiểu đôi chút những sự tương đồng giữa tựa game và văn hóa lịch sử ngoài đời thực, thông qua hiểu biết giới hạn của bản thân để xem đâu là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm này.

Tôi bắt đầu kể từ khi mình biết đến thuật ngữ glyph trong lúc tìm kiếm cách để gọi những biểu tượng hình (symbol vẫn chưa đủ để miêu tả những ý nghĩa mà glyph hướng đến), và quá trình đắm mình vào trong những thể loại magic circle (Tạm dịch: vòng pháp thuật, ma pháp trận) từ các sản phẩm có liên quan, ví dụ như những tác phẩm đề cập đến phép thuật từ văn học phương Tây cho đến ảnh hưởng vào sản phẩm giải trí của bên phương Đông như manga và anime của Nhật Bản, video game của Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi cũng bắt đầu sưu tập những hình ảnh mà mình tìm thấy được, hoặc cố gắng chụp được từ video trên Youtube. Khi được biết đến các bản scan từ tạp chí hoặc ấn phẩm ăn theo từ nhà sản xuất, tôi mới có được một cái nhìn mới và toàn diện hơn về những hình ảnh mà mình từng theo đuổi. Wikipedia, Deviantart, Tumblr, những trang blog phân tích cá nhân và quan trọng nhất vẫn là Google; đều trở thành những cầu nối để tôi tìm đến những cái mình cần. Những vòng ma thuật mà ta được thấy trong bản X cũng chính là khởi nguồn cho sự ham thích này.

Trong bài viết này, tôi muốn được đề cập đến hai chủ đề mà đã được nhắc tới: biểu tượng và ma pháp trận trong Final Fantasy X. Chúng ta có bộ bảng chữ cái của giáo phái Yevon được sử dụng ở toàn bộ những điện thờ, hoặc nơi có liên quan đến việc tôn thờ các Fayth và học theo tín ngưỡng của Yevon. Tiếp theo, chúng ta có bộ chữ đại chúng của toàn bộ người dân Spira, và bộ ngôn ngữ riêng của người Al Bhed. Từ cái nhìn sơ đầu tiên, có thể thấy bộ chữ của giáo phái Yevon được lấy cảm hứng từ ngôn ngữ của Phật giáo và Hindu giáo ngoài đời thực, cụ thể hơn là từ bộ chữ Phạn gọi chung. Vì yếu tố đơn giản hóa trong việc truyền tải thông tin nhưng vẫn phải giữ được cái tính chất của nội dung, và một nguyên do nữa là trong việc sáng tạo những yếu tố viễn tưởng, mà ở ví dụ tôi đang đề cập tại đây là bộ chữ cái của giáo phái Yevon. Có thể thấy là nhiều tác phẩm giải trí trước và sau đó đều đi cùng một hướng đi là: sáng tạo một hệ thống ngôn ngữ giả tưởng nhưng vẫn có thể dễ dàng nhận biết được nhờ vào những sự tương đồng, dựa vào hiểu biết của con người (cụ thể ở đây là bộ chữ Latinh đại chúng.)

Bảng chữ cái của người Al Bhed – Spira – Yevon

Bảng chữ cái của người Spira là một trong những ví dụ điển hình cho vấn đề này, khi vừa hội tủ đủ những yếu tố căn bản ấy, và đồng thời còn thêm được tính nghệ thuật ở trong nó. Nếu như trong đầu ta không tự mặc định về chữ cái “A”, thì dĩ nhiên khi ngôn ngữ La-tinh không tồn tại, ta cũng sẽ không thể hiểu được chữ “A” mà ta đang nhìn chính là chữ “A”. Ta cũng dễ mường tượng được câu trả lời mặc dù sự quả quyết của chính bản thân mình sẽ không đồng nhất trong việc đưa ra đáp án. Tôi có đưa ra một từ ví dụ ở dưới đây được viết theo ngôn ngữ của người Spira:

Nhìn lướt qua, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ rằng từ mà mình vừa thấy chính là từ Spira, nhưng vì tính nghi ngờ mà ta không dám tự tin 100% về câu trả lời. Đó cũng là lẽ tự nhiên và dễ hiểu, do bản năng tự phòng vệ và sinh tồn của loài người không chỉ trong lối sống mà còn từ những gì mà mình tiếp nhận vào trong não bộ (việc mà tôi lặp đi lặp lại từ Spira là dẫn chứng việc não bộ ta ghi nhớ một yếu tố nào đấy). Một ví dụ khác điển hình hơn là xu hướng thay chữ cái bằng một con số tương đồng, ở đây thay vì là Spira, ta sẽ có 5p1ra, và cũng vì sự đa nghi mà ta sẽ không đưa ra câu trả lời chính xác ở lần đầu tiên. Điều này cho thấy khả năng hoạt động kì diệu của não bộ trong việc nhận lấy thông tin và phân tích chúng dựa trên toàn bộ những kiến thức và kí ức được ghi nhận trong bộ nhớ (hoặc cũng có thể là tàn dư của kí ức từ kiếp trước, một chủ đề về tâm linh mà tôi cũng rất quan tâm), để đưa ra một câu trả lời mang tính chất tương đồng. Đặc tính này cũng trở thành tiền đề trong khả năng tạo ra những cái “mới” nhưng vẫn mang tính chất tương đồng. Sự phát triển của nhân loại và của vũ trụ cũng sẽ kéo theo sự phát triển của vật chất và những giá trị do chính nhân loại tạo ra. Ta có thể so ngôn ngữ của người Spira giống như ngôn ngữ Latinh hiện đại và của người Al Bhed là Latinh cổ đại. Cụ thể hơn, bộ chữ của người Al Bleh vẫn còn giữ được đặc tính cổ xưa và vẫn có những nét tương đồng với bộ chữ Latinh cổ và được làm tiền đề cho bộ chữ Latinh hiện đại.

Tuy nhiên, vì yếu tố lịch sử và thời gian, gốc rễ cho sự ra đời sẽ khó mà được xác nhận trừ khi chúng ta có khả năng du hành thời gian, hoặc là một nhân chứng còn sống xác thực. Điều này áp dụng cho cả hai bộ chữ mà tôi đề cập ở trên. Chúng ta vừa rồi đã luận bàn về bộ chữ của người Spira, vậy còn bộ chữ của tôn giáo Yevon thì sao? Như ban nãy bạn đọc để ý thấy tôi có nhắc đến Phật giáo và Hindu giáo khi nói về bộ chữ của tín ngưỡng này, và quả thực đó cũng chính là điều mà tôi muốn khẳng định. Ta có thể thấy rõ ở trong game rằng, toàn bộ mọi hoạt động cũng như mọi hình thái xuyên suốt chặng đường trải nghiệm game, nếu không nhầm lẫn giáo phái Yevon sang một tín ngưỡng xa xưa nào đấy ngoài đời thực, hoặc là Thiên chúa giáo, thì cũng phải là một sự thờ cúng hoặc dâng hiến mang đậm tính chất phương Đông hoặc văn hóa bộ lạc thiên nhiên ngày xưa. Từ động thái cúi chào tôn nghiêm giữa người với người, cho đến bài múa cầu siêu của Yuna, hệ tư tưởng về việc mong người cõi âm được siêu thoát và yên nghỉ, vùng đất Farplane và sự đầu thai ở kiếp sau, những điện thờ mang nét kiến trúc của văn hóa Trung Đông cũng như cảm giác đâu đó sự hiện hữu của chùa chiền vùng Tây Tạng và khu vực phía Đông của Châu Á. Chúng ta vẫn còn có thể liệt kê được thêm cho danh sách này, nhưng toàn bộ những điều mà tôi vừa kể chỉ là yếu tố bổ trợ cho nội dung trọng tâm mà tôi muốn nói. Bộ chữ Latinh mà ta đang sử dụng hiện nay xuất phát kể từ thời xa xưa khi mà ngữ hệ Ấn-Âu bắt đầu hình thành, và theo thời gian mà sự cải tiến cũng như mức độ tối giản liên tục ra đời để có được con chữ ngày nay. Nhưng nếu so với bộ chữ Hán và Nôm của ta từ ngày xưa, xét về mặt giá trị hình ảnh, ta có được một sự tối giản đáng kể về mức độ phức tạp nhưng lại không phải là quá giàu về tính thị giác (trừ khi ta đang tranh cãi về mảng thư pháp); xét về mặt giá trị nội dung, cả hai gần như là ngang bằng nhau ở độ sâu sắc khi phân tích về ý nghĩa bởi một chữ Hán tượng hình hoặc Nôm, cũng đều sẽ mang những ý nghĩa tương tự như một cụm từ ghép chữ Latinh của tiếng Việt. Điều này cũng áp dụng tương tự với hai bộ chữ của người Spira là bộ chữ phổ thông và bộ chữ của giáo phái Yevon. Một chữ tượng hình của tín ngưỡng Yevon sẽ mang độ dày về ý nghĩa giống như một chữ tượng hình trong bộ chữ Hán hoặc Nôm, hoặc là trong các bộ chữ khác như bộ chữ của người Maya. Điều đáng tiếc rằng nhà sản xuất không đầu tư sâu hơn về vấn đề này, nên tất cả những thông tin ít ỏi mà ta có sẽ được nói đến sau đây. Tuy nhiên, một điều thú vị là, ta có được sự khẳng định về văn tự Yevon không đối ứng hoàn toàn với bảng chữ cái Latinh bình thường, việc chúng được sắp xếp từ A-Z giống như chỉ là một sự quy ước tạm thời, không bao quát hoàn toàn những ý nghĩa sâu xa nằm trong từng biểu tượng.

Biểu tượng ở bên cạnh rất quen thuộc với chúng ta, bởi nó xuất hiện ở hầu hết mọi góc độ trong game. Theo như nhà sản xuất, đây được biểu trưng cho chữ (hoặc cũng có thể là âm đọc) A theo ngôn ngữ phổ thông, và đồng thời cũng là biểu tượng tượng trưng cho Yevon và cả Yu Yevon. Nếu chỉ xét đơn thuần, thì chữ (hoặc âm đọc) A không mang lại ý nghĩa nhiều; nhưng về mặt giá trị thì chữ A là ký tự đầu tiên trong bảng chữ cái, ý chỉ sự khởi nguồn, sự bắt đầu, và Yevon là nơi khai sinh cho cả thảy toàn bộ chẳng hạn như con người, nhận thức, sự sống. Không chỉ đơn giản khi có sự quy ước này, và nếu như có một bộ sậu giáo dục quy mô và hệ thống trường lớp để dạy về “triết học” Yevon thì đây cũng sẽ là điều mà ta được học. Về mặt hình ảnh, tổng thể biểu tượng này giống như hình ảnh một con người, với hình tròn lớn trên đỉnh tượng trưng cho không những hệ thống não bộ tự nhiên, mà còn là con mắt thứ ba cũng như thiên nhãn có thể nhìn thấu xuyên vạn vật. Hình ảnh con mắt là một trong những biểu tượng tâm linh nổi tiếng và cũng được công nhận trong diện khoa học, và con mắt thứ ba theo nhiều nghiên cứu khoa học lẫn tâm linh được định vị nằm ở vùng trung tâm, nơi giao nhau giữa các thùy não bên trong hộp sọ. Tuy nhiên, để có thể mở được con mắt thứ ba này, một cá thể cần phải trải qua quá trình rèn luyện tâm linh chuyên sâu, nhưng kết quả sẽ là “cánh cửa” được mở ra để có thể “nhìn thấy” được. Trong lịch sử các nước và tín ngưỡng, hình ảnh con mắt cũng xuất hiện rất nhiều, ví dụ điển hình nhất chính là văn hóa tâm linh Ai Cập cổ đại với con mắt của thần Horus.

Đặc điểm tiếp theo ta sẽ bàn tới chính là hình tròn nhỏ ở phía dưới “con mắt” trong biểu tượng này. Đây có thể được xem như cái “lõi” của  tâm linh, trái tim của con người. Trong tâm linh học và tâm lý học, cũng như là thiền định yoga, thì một trong bảy luân xa của cơ thể con người có vị trí ngay giữa lồng ngực mang tên Anahata, tượng trưng cho trái tim và những xúc cảm của con người. Không phải là vô tình mà có sự kết hợp này, khi chúng ta vừa có con mắt quan sát vạn vật và trái tim làm trung tâm, được gắn với “sự khởi đầu” hàm ý to lớn trong tín ngưỡng của Yevon. Và nằm ở cuối bảng là chữ “Z”, hay còn được gắn với cái tên của Sin.

Sin là sự kết thúc, sự hủy diệt, nhưng ở mỗi đích đến cũng lại là một sự khởi đầu mới sau đó. Vòng lặp này cũng là quy luật sống tự nhiên giữa sự sống và cái chết, của sự tạm nghỉ và trỗi dậy. Người bắt đầu mọi sự việc là Yu Yevon, và để kết thúc cho điều đấy chính là Sin, để rồi sau đó Yevon lại được nâng lên cho đến lúc vòng quay lăn tiếp đến Sin. Về mặt hình ảnh, tổng thể biểu tượng này dễ nhận ra nét tương đồng với hình ảnh của Sin. Phần đuôi của Sin nằm nghiêng về mặt bên trái trong biểu tượng và phần đầu nằm nghiêng về phía bên phải. Ở trong cuộc sống thực tại, vốn dĩ chữ tượng hình cũng xuất phát từ những nét vẽ mô phỏng lại sự vật của người cổ đại, chẳng hạn một tảng đá sẽ có hình thang hơi gồ ghề, một con hạc sẽ được vẽ lại như đúng là một con hạc. Chữ Hán của người Trung Quốc cổ đại cũng bắt nguồn từ quá trình này, và trải theo bề dày lịch sử mà mức độ cải tiến cũng như việc đơn giản hóa sẽ được diễn ra giống như văn tự ngày nay trong niên thời hiện đại. Điều này có thể kết luận được rằng vào ngay tại thời điểm Sin chưa hề tồn tại, biểu tượng này cũng chưa từng được xuất hiện trước đó cho tới khi sự kiện đầu tiên Yu Yevon trở thành Sin được diễn ra. Cột mốc này trở thành một minh chứng đại diện cho không chỉ riêng ý nghĩa là “Sin”, mà còn là những thông tin khác có liên quan đến nguồn gốc ra đời.

Tiếp theo, ta có nhóm biểu tượng biểu trưng cho các nguyên tố tự nhiên trong thế giới Spira. Về mặt bằng chung, ta có thể dễ nhận ra những biểu tượng này được lấy cảm hứng từ những Hán tự gốc, đồng thời thêm phần cách điệu. Chẳng hạn chữ Ám tương ứng với biểu tượng B, chữ Quang tương ứng với biểu tượng I. Một số lại không hoàn toàn tượng trưng giống như vậy, nhưng lại có nét tương đồng với yếu tố mà nó được sử dụng, chẳng hạn chữ Hỏa và biểu tượng N, chữ Thủy và biểu tượng W. Số còn lại tập trung hẳn vào tính trừu tượng và khó mà kết luận được nếu không có nội dung nền tảng, lịch sử, những nghiên cứu đứng đằng sau được cung cấp. Mặc dù được lấy cảm hứng từ bộ chữ Siddham tất-đàm thuộc một nhánh của bộ chữ Phạn, nhưng đội ngũ cũng vẫn thành công trong việc mô phỏng lại phong cách của bộ chữ này theo mục đích phục vụ cần thiết. Nếu đặt giả thuyết cho sự ra đời của một trong những chữ này, có thể lấy chữ Băng của biểu tượng L làm ví dụ. Với tổng thể hình hài uyển chuyển mượt mà một cách giản dị thay vì gấp khúc phức tạp giống những biểu tượng khác, và đặc biệt là điểm nhấn hình tròn ở trên đầu tượng trưng một hình thể mềm mỏng, một tính nữ.

Chủ đề tiếp theo mà tôi muốn được bàn tới là những ma pháp trận được các triệu hồi sư sử dụng khi triệu hồi Aeon, cũng mang tính chất tương tự như những bộ chữ mà chúng ta đã bàn ở trên. Bản chất của những ma pháp trận cũng là những biểu tượng hình học, xuất phát từ những pháp trận của các bộ lạc cổ thờ phụng những vị thần thiên nhiên cổ xưa, những tà đạo, kèm theo những biểu tượng có liên quan. Theo sự phát triển của nghệ thuật cùng với phương diện liên quan đến giải trí, mà những ma pháp trận này có sự biến hóa theo nhu cầu cũng như ham muốn của người tạo ra, người chiêm ngưỡng. Theo như cuốn sách Ultimania Omega của bản X, việc thiết kế ra những ma pháp trận cho các Aeon không nằm trong khâu sản xuất cần thiết, nhưng trong một thời gian ngắn gấp rút, đội ngũ sáng tạo cũng thành công trong việc thiết lập những trận địa phù hợp cho từng Aeon, hội đủ tính chất cần thiết và việc phân tích chúng cũng trở nên thú vị vì chúng ta đang cố gắng kết nối tới người chế tạo ra nó và hiểu được mục đích của việc vì sao họ lại sử dụng những yếu tố đó.

Ma pháp trận của Valefor là một trong những ma pháp trận nổi bật nhất bởi những yếu tố căn bản như tính toàn diện tập trung vào trong một bố cục, và bên trong hình tròn là những yếu tố trọng tâm để miêu tả cho vấn đề trọng tâm khác, chính là đối tượng mà người triệu hồi sư cần triệu hồi. Điểm nổi bật thứ hai chính là hình ảnh hoa mạn đà la trong Phật giáo được thể hiện trong pháp trận này với sự phân bổ đồng đều ở mọi góc độ trong hình tròn. Tại trung tâm của hoa mạn đà la là chữ , vừa thể hiện tính chất của Valefor, vừa miêu tả tính chất hư vô (giai vô) của vạn vật. Bản tính của mạn đà la là nguồn năng lượng giác ngộ trong sạch, vì thế được quy vào nhóm không thuộc tính giống như của Valefor cũng là hợp lý. Những kỹ năng đánh, hoặc như Limit Break của Valefor đều tập trung vào nguồn năng lượng không đến từ những bản thể nguyên gốc của thiên nhiên, nên ta có thêm một yếu tố bổ trợ cho tính chất nghệ thuật nêu trên. Bao phủ xung quanh là những biểu tượng như I tương đương với chữ Quang; G; K; O với ý nghĩa chưa rõ ràng, nhưng cũng có thể mường tượng ra kết quả tích cực dựa vào chữ Quang cũng như văn hóa và truyền thống của người dân quần đảo Besaid.

Ma pháp trận của Ifrit – Ixion – Shiva

Bắt đầu với ma pháp trận của Ifrit, Ixion Shiva; ta có tính cách điệu và hiện đại hóa từ bản mạn đà la gốc để phục vụ cho tính chất nghệ thuât. Chẳng hạn những đường cong uốn lượn không phải mềm mỏng mà có phần hung hăng đại diện cho tính chất căn bản của lửa, đặc tính gai góc và nhanh nhẹn của sấm sét, hay cảm giác lạnh lẽo ngay từ cái nhìn đầu tiên của băng giá. Ở mỗi pháp trận cũng có một biểu tượng lớn ngay tại trung tâm đại diện cho nguyên tố tự nhiên đi đôi với Aeon đó, và những biểu tượng như tôi đã nói ban nãy vẫn chưa rõ về mặt ý nghĩa của nó.

Đối với Bahamut, khá khó khăn khi phải phân tích về tổng thể của pháp trận này, bởi vì nó vừa có sự kết hợp của một mặt là tính chất cổ điển giống như của Valefor, mặt khác lại là sự cách tân tiên tiến bởi những họa tiết bao bọc xung quanh cái lõi ở bên trong. Nhưng điều đầu tiên mà tôi có thể nói lên được rằng, ngụ ý của những nét vẽ này dùng để ám chỉ những thực thể, những yếu tố và tính chất không tồn tại ở trên thế giới Spira, mà là đến từ bên ngoài. Tôi có thể biện minh cho việc tổng thể pháp trận này giống như một phi thuyền ngoài vũ trụ đổ bộ xuống mặt đất, giống như cách Bahamut được triệu hồi xuống đất vậy; và cách mà Bahamut lao xuống như một thiên thạch, đâm xuyên qua ‘bầu khí quyển’ với nhiều tầng lớp (được thể hiện cũng bởi những pháp trận nhỏ khác). Điểm thú vị ở đây chính là hình tròn bánh xe giống như vật thể tròn lơ lửng đằng sau lưng Bahamut, hình ảnh này tương đồng với bánh xe số mệnh Samsara, một vòng tuần hoàn của sự sống và cái chết.

Anima là một tổ hợp thú vị mà tôi rất thích thú khi được ngắm nhìn chúng. Chúng ta có biểu tượng Ám nằm ở trung tâm, hai bên là biểu tượng Quang. Tôi nghĩ ngay đến sự cân bằng giữa âm và dương, giữa trắng và đen, biểu tượng của bát quái trong việc thể hiện trong cái trắng có cái đen và ngược lại. Đặt bên trên hình tròn mạn đà la (mà tôi cam đoan là hình tròn ma pháp trận của Valefor, để rút ngắn thời gian sản xuất) là một tổ hợp hình học bầu dục. Ta có thể thấy ở đây lại có một con mắt khác được sử dụng để biểu trưng một phần hình ảnh của Anima. Thuộc tính của Anima là bóng tối; kỹ năng Limit Break của Anima là Oblivion khi kéo đối tượng xuống dưới địa ngục và để cho phần nửa còn lại của mình thực hiện nhiệm vụ; kỹ năng đặc biệt của Anima là Pain được bắn ra từ con mắt ở phần trên của mình; và điều đặc biệt hơn chính là toàn bộ thân thể của Anima, cả trên lẫn dưới đều chỉ có duy nhất một con mắt. Giống như đặc điểm mà tôi đã miêu tả trước đó ở phần biểu tượng ngôn ngữ giáo phái Yevon, thì ở đây ta có con mắt của địa ngục, luôn quan sát và thấu hiểu được những tội lỗi mà đối tượng gây ra. Màu sắc được sử dụng trong game là màu tím, cũng phù hợp với đặc tính của Anima. Ở lớp trên cùng là con mắt để quan sát, thì đằng sau nó là một hình giống như vậy nhưng ở một góc thẳng vuông góc với hình chính. Như thể, đây là một cánh cửa mở ra đằng sau, phân biệt bởi màu sắc đầm được thể hiện thay vì là màu trắng chủ đạo.

Ma pháp trận của Magus Sister – Zanarkand – Yojimbo

Magus SisterYojimbo là một trong những nhóm không có một sự quy ước rõ rệt, nhưng lại thể hiện rõ ràng nhất gần như là toàn bộ đặc tính chính của cá thể được nêu tới. Điều được nhắc đến rõ nhất là hình ảnh văn hóa được thể hiện trên những pháp trận này nhưng lại không đi theo quy ước chung, giống như những pháp trận khác. Pháp trận của Zanarkand Final Aeon cũng nêu lên được câu chuyện ở đằng sau nó, nhìn sơ qua ta dễ dàng thấy đây như một bàn tế với vật tế được đặt ở hai bên và trung tâm là điều được hướng tới.

Đến đây là chặng đường cuối cho chuyến du ngoạn của chúng ta. Tôi không tự nhận mình là một nhà phân tích hay khảo cổ học, cũng chẳng phải là một người tuyên truyền. Không một điều gì trong những gì chúng ta thấy là thật và có ảnh hưởng đến cuộc sống, bởi vì tất cả chỉ là sản phẩm tưởng tượng của bộ óc con người. Nhưng để tìm tới và cảm nhận được cái sự thú vị trong việc tìm hiểu và khai phá, tôi mới thử viết ra những dòng này, cốt cũng chỉ là để chia sẻ một góc nhìn của bản thân về những gì mà tôi thấy. Những nhà phát hành cũng như họa sĩ trong game, tuy rằng đây không phải là một phần công việc lớn và quan trọng trong cả khâu sản xuất, nhưng nó cũng phần nào phải thể hiện được sự hợp lý khi đưa vào trong game, và dĩ nhiên để tìm ra được điều đó, người tạo ra nó phải tìm tòi và động não, đưa được sự hợp lý ấy vào trong sản phẩm của mình. Nếu như đây là một nội dung quan trọng của game, thì ta đã có một cuốn sách dày cộm giải thích ý nghĩa cũng như lịch sử hình thành những biểu tượng của Yevon từ tay nhà phát hành rồi.

Cám ơn bạn đọc đã theo suốt đến tận phút cuối này.

Final Fantasy Fan Club VN

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.