Phỏng vấn đội ngũ bản địa hoá của Final Fantasy VII Remake (Phần 2)

0

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ bài phỏng vấn với nhóm bản địa hoá Final Fantasy VII Remake được thực hiện cách đây không lâu, và bây giờ là thời gian dành cho phần hai. Trong buổi trao đổi lần này, chúng ta sẽ chạm đến những chủ đề chuyên sâu hơn như tên nhân vật, những câu nói cụ thể nào đó v.v…

Thành viên tham gia:

– Ben Sabin (Dịch giả tiếng Anh)

– Laurent Sautière (Dịch giả tiếng Pháp)

– Diana Kawamata (Dịch giả tiếng Đức)

– Noriko Ueda (Quản lý bản địa hoá dự án)

Rất nhiều câu nói của Final Fantasy VII gốc đã khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ. Đội ngũ bản địa hóa có phải ghi nhớ điều này trong quá trình tham gia dự án không hay là được phép tiếp cận theo cách hoàn toàn mới?

Ben Sabin:

Vì game này được lồng tiếng còn bản gốc thì không, cộng thêm nhiều cảnh đã có kết cấu khác đi, chúng tôi chắc chắn không thể giữ lại mọi dòng kịch bản kể cả có muốn hay không. Dĩ nhiên là những câu nói hoặc thông tin mang tính biểu tượng thì vẫn được bảo toàn, ví dụ như phép so sánh Cái Đĩa với một chiếc pizza thối rữa của Barret hay những câu nói của nhóm nhân vật chính lúc đe dọa Corneo trong phòng ngủ của hắn. Ngoài ra, tôi tin chắc là Cloud có nói “Hoo boy” trong bản Remake nữa.

Laurent Sautière:

Đáng tiếc là phiên bản tiếng Pháp của game gốc không được nổi tiếng về chất lượng cho lắm, nên cho dù chúng tôi rất muốn bám sát với nguyên bản nhưng vẫn phải thay đổi rất nhiều. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện đưa vào một vài lời thoại lạ từ bản gốc tiếng Pháp như những easter egg, nhưng hoàn toàn không phải một nhiệm vụ dễ dàng vì chúng phải có ý nghĩa với những người chưa chơi game bao giờ.

Diana Kawamata:

Mặc dù chúng tôi luôn ghi nhớ những câu thoại gốc trong đầu và cố tích hợp chúng ở những đoạn có thể nhưng không phải lúc nào cũng khả thi do những giới hạn trong quá trình lồng tiếng. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là đảm bảo kịch bản nghe tự nhiên nhất có thể khi diễn viên phát âm bằng tiếng Đức.

Dưới vai trò một dịch giả, có một dòng thoại hay đoạn text nào anh/chị cảm thấy đặc biệt tự hào không?

Sabin:

Tôi nghĩ một trong những câu hay nhất mà chúng tôi sáng tác ra được đó là của Cloud khi trả lời câu hỏi của Tifa về ngoại hình của anh trong dinh thự Don Corneo: “Nailed it, I know. Thank you. Moving on”. Nó toát lên được cảm xúc của nhân vật quá tốt và Cody Christian cũng thể hiện nó vô cùng tuyệt vời – Cloud cố tỏ ra vẻ ngầu nhưng lại không thành công. Nó góp phần tạo nên tính giải trí cho toàn bộ phân đoạn về Corneo. Cá nhân tôi còn thích màn giới thiệu của Reno “I’ll see myself in, thanks” vì tôi thấy nó thể hiện cá tính của anh ta.

Sautière:

Thật khó để chọn một câu mà chúng tôi đặc biệt cảm thấy tự hào, nhưng có một lựa chọn biên dịch có vẻ mắc kẹt trong tâm trí của rất nhiều người chơi: khi nói về những sinh vật bay kỳ dị được gọi là “whisper” trong phiên bản tiếng Anh, một vài nhân vật ở phiên bản tiếng Nhật đã sử dụng khái niệm “uja-uja” (một từ tượng thanh rất điển hình) với ý nghĩa đơn giản là “bầy đàn”, nhưng khi dịch sang tiếng Pháp, chúng tôi quyết định để Barret gọi chúng là “serpillières” (cây lau nhà) vì có vẻ hợp lý hơn. Cũng thật thú vị vì diễn viên lồng tiếng người Pháp của Barret, Frédéric Souterelle, rất muốn phát âm từ đó theo cách “chính xác nhất mặc dù đã lỗi thời”, mang lại những giây phút vui đùa thực sự đáng nhớ trong studio. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi đã thuyết phục anh ấy phát âm theo cách mà người bình thường vẫn sử dụng.

Kawamata:

Cá nhân tôi thích sự giao tiếp giữa Marle và Cloud. Dĩ nhiên diễn xuất của các diễn viên đóng một vai trò quan trọng nhưng tôi lại có cảm giác chính lời thoại cũng làm toát lên sự an tâm mà cô bé cảm nhận được từ Tifa và cách mà cô duy trì sự dè chừng với Cloud. Việc cô bé không bị ấn tượng vì anh ta từng là một SOLDIER – nhất là khi so sánh với các nhân vật khác – và không bị bối rối bởi sự tự phụ của Cloud đã được thể hiện rất tốt.

Bản địa hoá cho một nền văn hoá với khiếu hài hước khác biệt so với tác phẩm gốc chắc hẳn rất khó khăn. Trong trường hợp này, anh/chị cảm thấy những câu nói cụ thể nào đã hoàn thành nhiệm vụ lột tả được sắc thái bông đùa của đoạn hội thoại tiếng Nhật?

Sabin:

Tôi nghĩ phân cảnh với nhóm Beck’s Badasses đã làm được một việc đặc biệt là chuyển tải toàn bộ cá tính của các nhân vật và giúp người hâm mộ đắm mình vào trong khoảnh khắc ấy. Chơi chữ là một bài toán hóc búa trong dịch thuật, nhưng tôi cho rằng tất cả những câu bị sử dụng sai của nhóm Badasses kiểu như “due recompense” hay “compensatory damages” phát huy hiệu quả rất tốt trong ngữ cảnh, đóng vai trò như một chất xúc tác cho hành động của nhân vật. Tôi đặc biệt thích câu nói “It’s like compensation…for damages” vì Beck đã thất bại trong việc làm rõ quan điểm của mình. “Lookie here, boys! Caught us some burglars” và “Comin’ into our homes and stealin’ our shit─doin’ crimes” cũng mang đến cảm giác giống như ngoài đời thực khi những tên tội phạm không được thông minh lắm trêu đùa những ai dám bước vào lãnh địa của chúng. Nhưng tất cả những bản dịch của chúng tôi đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu diễn xuất không tốt tương ứng, và tôi nghĩ các diễn viên vào vai 3 nhân vật này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ở cả khía cạnh diễn xuất, tốc độ đọc lẫn sự lố bịch, giữ lại trọn vẹn sự hài hước của người Nhật. 

Sautière:

Một trong những câu nói của Madam M đã gần như bị xóa tiếng trong phiên bản tiếng Nhật, nhưng mục đích chính là tạo hiệu ứng hài hước chứ không liên quan đến xếp hạng độ tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng việc này sẽ khá là lạ lùng với người Pháp, nên đã quyết định giữ lại toàn bộ khoảnh khắc của Madam M lúc bản địa hóa. Xin lỗi nếu bạn cảm thấy nó hơi tục tĩu! Nó khiến chúng tôi nhớ lại một cảnh nổi tiếng của Lambert Wilson trong The Matrix Reloaded…

Kawamata:

Theo tôi Johnny là nhân vật đại diện cho khiếu hài hước của người Nhật, và chúng tôi phần nào đã làm tốt khi chuyển thể sự hài hước đó sang tiếng Đức. Diễn viên lồng tiếng của chúng tôi đã thể hiện sự lố bịch của anh ấy rất tốt.

Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang một số câu hỏi liên quan đến những lựa chọn dịch thuật mà tôi khá là tò mò.

Các trạng thái của kẻ địch ở tiếng Anh được gọi lần lượt là “Pressured” và “Staggered” còn phiên bản Nhật lại có tên “HEAT” và “BURST”. Còn những ngôn ngữ khác thì sao?

Sautière:

Trong phiên bản tiếng Pháp, “Pressured” được dịch thành “Fragilité” (dễ tổn thương). “Staggered” được dịch thành “Choc” (sốc), tương tự như FFXIII vốn có một hệ thống tương tự.

Wedge giới thiệu ba chú mèo hàng xóm của cậu ấy là Biggums, Reggie và Smalls. Rõ ràng là việc đặt tên cho thú cưng có những quy ước vô cùng khác biệt tuỳ theo ngôn ngữ và văn hoá, và tên của những chú mèo giữa tiếng Anh và tiếng Nhật là hoàn toàn khác nhau. Vậy khi dịch sang những ngôn ngữ khác thì thế nào?

Sautière:

Tên gọi của chúng ở bản tiếng Pháp về cơ bản giống với tiếng Nhật “Flaugnarde”, “Gibanica” và “Pâtisserie” (cách gọi ngắn gọn là “Floflo”, “Giba” và “Patty”) vì đều liên quan đến đồ ăn.

Kawamata:

Tên tiếng Đức của những chú mèo: Quý ngài Maunzelot, Quý bà Bunnybun, và Pashadora (ngắn gọn là Maunzi, Bunny và Pasha).

Mèo của Wedge có hai cách xưng hô: tên đầy đủ và nickname. Chúng tôi lấy ngữ âm trong biệt danh tiếng Nhật của chúng và thử mọi cách cho đến khi có được thứ gì đó dễ thương, mang đến cảm giác giống như tên gọi của thú cưng cũng như phù hợp với bối cảnh thế giới trong game. Sau đó chúng tôi sẽ cùng động não để đánh giá tên đầy đủ của chúng sẽ như thế nào. Những tên gọi tiếng Nhật lấy chủ đề đồ ăn, khá thông dụng với văn hoá của họ, còn chúng tôi phải cố gắng tìm ra danh xưng nào đó khôi hài và sáng tạo, phản ánh chính xác cách đặt tên của người Đức.

Reno có cách nói chuyện tương đối dị thường trong các đoạn đối thoại tiếng Nhật. Những chi tiết đó có được đưa vào những bản dịch khác không?

Sautière:

Tiếng Pháp không có từ nào đồng nghĩa với hậu tố “zotto” mà Reno luôn đặt ở cuối mỗi câu nói của mình trong tiếng Nhật, và mọi người sẽ có cảm giác bị lặp lại cũng như không tự nhiên nếu như cứ cố tìm cách chọn một cách diễn đạt tương xứng. Thay vào đó, cá tính của nhân vật được thể hiện thông qua tông giọng và từ vựng quen thuộc với người Pháp, ví dụ như việc sử dụng từ “mec” (anh bạn) chẳng hạn.

Cuối cùng, anh/chị có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận được phản hồi về FFVII Remake giai đoạn hậu phát hành hoặc những lời nhắn nhủ từ người hâm mộ không?

Chúng tôi rất tự hào vì được tham gia một trò chơi được đông đảo người hâm mộ chờ đón trong nhiều năm qua. Quả thực là một hành trình điên rồ, và chúng tôi rất hạnh phúc khi được chứng kiến thành quả lao động chăm chỉ của cả nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực, không chỉ ở khâu dịch thuật mà còn cả lồng tiếng nữa. Đương nhiên, không có gì là hoàn hảo cả và chúng tôi sẽ tiếp nhận mọi đóng góp mang tính chất xây dựng cho những phần tiếp theo.

Source Final Fantasy Portal
You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.