Tiếp tục bài phỏng vấn với nhóm bản địa hóa của Final Fantasy XIV, trong lần trao đổi này chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về thế giới và các nhân vật trong game, những thách thức khi phải dịch các bản sắc văn hóa độc đáo v.v…
Thành viên tham gia:
– Kathryn Cwynar (Tư vấn lore & dịch giả tiếng Anh)
– Pierre Pasquier (Dịch giả tiếng Pháp)
– David Fehrmann (Dịch giả tiếng Đức)
– Maki Shiota (Trưởng dự án bản địa hóa)
Hầu hết các game RPG đều có khá nhiều NPC và đều kèm với câu thoại riêng, với một thế giới khổng lồ như FFXIV, số lượng NPC cũng là rất nhiều. Team bản địa hóa có cách thức hay công cụ nào để theo dõi và sắp xếp tất cả những câu thoại đó không?
Kate:
May mắn là công cụ dịch thuật của chúng tôi cho phép tìm kiếm theo nhân vật, nhưng để đảm bảo độ nhất quán cho tính cách thì vẫn phụ thuộc nhiều vào cách thủ công truyền thống. Thông thường khi cần làm việc với một nhân vật nào đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm lại những câu thoại cũ và đọc hết để nhớ xem cách họ “nói chuyện” như thế nào. Nếu gặp một nhân vật không quen thuộc cho lắm thì chúng tôi sẽ tìm dịch giả đã thực hiện trước đây để nhờ kiểm tra bản dịch và chỉ ra những yếu tố còn thiếu sót.
Bạn có yêu thích nhân vật nào không, kể cả ở khía cạnh dịch thuật lẫn khẩu vị cá nhân?
Pierre:
Ở góc độ một dịch giả, tôi thích những nhân vật có cá tính mạnh mẽ, tất nhiên là không cần quá đà, như kiểu Magnai, Asahi hay Emet-Selch. Chúng tôi phải viết rất nhiều câu tường thuật trong game, vì mục tiêu chính vẫn là chia sẻ toàn bộ lore và cốt truyện đến cho người chơi. Việc một nhân vật có cách truyền tải thông điệp quá bình thường sẽ khiến người nghe cảm thấy bị nhàm chán.
Cá nhân tôi thì thích Emet-Selch, vì trong số tất cả những Ascian thì anh ta mang tính người nhất. Tôi cũng thích những nhân vật đã đi qua xuyên suốt một arc cốt truyện và trưởng thành lên từ những trải nghiệm thực tế, như Alphinaud hay Fordola.
David:
Bên cạnh Emet-Selch lỗi lạc với tình cách rất con người, tôi cũng có cảm tình với Elidibus. Cả những câu thoại lẫn diễn viên lồng tiếng đều mang đến nhiều cảm xúc. Một phản diện mạnh mẽ đối đầu với các vị anh hùng của chúng ta, bề ngoài rất kiên định trong quyết tâm hoàn thành nghĩa vụ với dân tộc mình, nhưng bên trong thì luôn dằng xé với nhiều mâu thuẫn nội tâm.
Kate:
Yêu quý một nhân vật nào đó chắc chắn sẽ khiến công việc dịch thuật trở nên thú vị hơn! Giống như mọi người, tôi dành tình cảm của mình cho Emet-Selch. Tôi chỉ thực hiện một vài đoạn hội thoại của anh ấy trong kịch bản của phần 5.0, nhưng rất may mắn là được tham gia vào mẩu truyện ngắn “Ere Our Curtain Falls”, quả thực rất thú vị.
Tôi cũng thích những nhân vật có đôi chút lố lăng, và Giott nằm gần như ở đầu tiên của danh sách. Ngoài ra còn có thể kể đến Gyoshin và Seigetsu Kẻ Khai Sáng trong chuỗi nhiệm vụ chế đồ Namazu. Nếu tôi chính xác hơn trong công việc thì chắc là họ sẽ không chỉ lố lăng “một chút” đâu.
Tiếp tục chủ đề NPC, các nhân vật trong FFXIV nói tiếng địa phương rất đa dạng. Trong tiếng Nhật có rất nhiều tông giọng, hậu tố kết thúc câu, không dễ để chuyển thể sang các ngôn ngữ khác. Team bản địa hóa quyết định một nhân vật ở Eorzea sử dụng tiếng bản xứ nào bằng phương pháp gì? Chúng tôi muốn nghe một ví dụ cụ thể mà các bạn có thể chia sẻ!
Kate:
Vì đây là một game fantasy nên việc xử lý tiếng địa phương tương đối dễ dàng, chúng tôi chỉ cần lo đến những nét văn hóa ngoài đời thực đi kèm với phương ngôn vì chắc chắn chúng phải phục vụ cho một mục đích nào đó, chúng tôi có thể xem xét cách nói chuyện của nhân vật một cách tổng thể. Những gì chúng tôi làm ở phiên bản tiếng Anh là nghiên cứu cách nhân vật nói chuyện ở tiếng Nhật chỉ ra điều gì – họ đến từ đâu, nguyên mẫu của họ là gì, kiểu kiểu đó – rồi cân nhắc một người Anh có tiểu sử và tính cách như thế nào sẽ nói như vậy. Họ có hay dùng những từ hoa mỹ không, hay thích sự đơn giản? Họ diễn đạt một cách ngăn gọn hay thích ngân dài câu chữ? Họ có văn phong riêng hay có những từ nào thích sử dụng không, bất kể là vì văn hóa hay xuất phát từ tính cách? Họ nói chuyện ngập ngừng không? Thẳng thắn không? Dài dòng không?
Về vấn đề hậu tố, nếu một nhân vật có sở thích chèn thêm như vậy thì chúng tôi thường giữ nguyên. Các tộc quái thú sẽ phức tạp hơn một chút, vì chúng thường có một cách nói chung cho cả bộ tộc. Một số cách tiếp cận là chuyển ngữ hoàn toàn từ tiếng Nhật, có hiệu quả nhưng chỉ ở mức độ nhất định. Một moogle nói “kupo” nghe rất dễ thương phải không nào? Tuy nhiên có nhiều hậu tố về cơ bản là không thể đưa vào tiếng Anh, hầu hết chúng chỉ là hai âm tiết ngẫu nhiên – cách giải quyết là nếu mọi tộc thú đều làm thế thì chúng sẽ có chung một kiểu nói chuyện. Phương án này có thể giải quyết những rắc rối phát sinh từ việc có quá nhiều chủng tộc trong FFXIV, nhưng lại không tạo ra nét đặc trưng cho mỗi loài như ở bản tiếng Nhật.
Cách xử lý thay thế của chúng tôi là nhìn vào hiệu ứng mà cách nói tiếng Nhật gây ảnh hưởng lên cách phát âm câu thoại. Ví dụ mọi câu của Sahagin đều bắt đầu bằng một âm “psh” ngắn, vì thế mà ở tiếng Anh bạn nghe thấy “Shhhorewalker” với âm “sh” được kéo dài. Dân Namazu thì có thói quen thêm “pe” khi trò chuyện nên chúng tôi nghiên cứu cách mà âm “p” bung ra mang lại cảm giác hơi kích động để áp dụng tương tự lên các câu “Yes, yes!” và “No, no!” trong tiếng Anh.
David:
Thay vì phương ngôn, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào tông giọng. Mặc dù không thể mô phỏng chính xác như nguyên gốc tiếng Nhật, chúng tôi vẫn cố gắng tạo ra giọng điệu phù hợp nhất có thể với vóc dáng, địa vị xã hội, gốc gác văn hóa cua nhân vật, từ đó có cách phát âm tương ứng.
Nói đến người lùn… họ được giới thiệu lần đầu ở Shadowbringers và là ví dụ nổi bật nhất cho cách làm này. Họ có cách chào nhau khá độc đáo (“Holladrio!”) hoặc dùng những khái niệm lạ lùng để khinh bỉ người ngoại bang (“Bartlose” – ám chỉ người không có “râu”). Văn hóa của họ là khai khoáng và phát triển kỹ thuật, họ thích những bữa ăn ngon, cả đàn ông lẫn đàn bà đều đeo râu giả và đội những chiếc mũ lộng lẫy. Họ có thói quen chế nhạo các bộ tộc đối nghịch, nhưng không bao giờ tỏ ra độc ác hay thô tục. Bản chất của họ là vui vẻ và lạc quan. Tất cả những thứ đó đều được phản ánh rõ nét qua cách họ biểu đạt thái độ ra bên ngoài.
Pierre:
Nhiều chủng tộc trong FFXIV được bê từ FFXI sang, nên chúng tôi cũng tái sử dụng luôn kiểu nói chuyện từ đó. Với những tộc mới, chúng tôi đương nhiên phải lấy cảm hứng từ tiếng Nhật, nhưng ngoài ra cũng còn từ chính nhân vật và hình ảnh mà chúng tôi có về họ nữa. Vì FFXIV được lồng tiếng nên chúng tôi phải rất cẩn thận và đôi khi phải thích nghi theo. Ví dụ, việc kéo dài âm “r” của người Miqo’te (đặc trưng của phiên bản tiếng Pháp) là một thử thách khó khăn với các diễn viên, nên tôi khi chúng tôi phải thực hiện nhiều lần.
Nhiều trường hợp một concept mang ý nghĩa lớn trong một nền văn hóa lại trở nên khó hiểu với những người nước ngoài. Nhóm của các bạn đã làm gì khi tiếp cận những nội dung như thế? Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn chỉ ra một ví dụ cụ thể!
Kate:
Mặt tốt của việc dịch những thứ giả tưởng đó là câu chuyện có thể được kể theo nhiều cách, cho phép chúng tôi khá linh động trong cách tiếp cận. Điều chúng tôi quan tâm về các yếu tố văn hóa là vị trí của chúng trong cốt truyện và mục tiêu mà chúng phục vụ là gì. Gần đây tôi có dịch một cảnh có chứa một nét đặc trưng rất rõ của tiếng Nhật: một nhân vật khăng khăng yêu cầu người nói chuyện với mình bỏ hậu tố “-san” khi gọi tên mình đi. Chúng tôi không bao giờ sử dụng hậu tố cho các nhân vật trong bản tiếng Anh vì chúng không truyền tải được mối quan hệ cá nhân với những người không biết nhiều về văn hóa Nhật Bản, đồng thời có khá nhiều cách để thay thế việc đó ở tiếng Anh.
Nếu như phong vị Nhật phải được làm nổi bật lên, như trường hợp của quốc gia Hingashi, chúng tôi sẽ có cách tiếp cận dễ dàng hơn. Nếu bạn không biết mikoshi hay happi là gì, bạn có thể tìm chúng trên internet và xem một vài bức tranh về các lễ hội ở Nhật, từ đó sẽ thấy lễ hội của người Namazu trở nên thú vị hơn. Giả sử bạn không làm thế đi chăng nữa thì chúng vẫn có cảm giác “rất Nhật” khi xem và ngữ cảnh trong game sẽ làm nổi bật chúng lên.
Pierre:
Đó là vấn đề cốt lõi của công việc bản địa hóa. Với những con chữ, tôi không nghĩ là có concept nào lạ lùng đến mức không thể giải thích một cách tự nhiên.
Mặt hình ảnh lại là chuyện khác. Lấy ví dụ với cảnh các bạn nhìn thấy những chú lùn đang say xỉn. Trong phiên bản gốc, mắt của họ nhìn như con số 3, là cách mà người Nhật thể hiện rằng họ đang chuếnh choáng. Vì người nước ngoài có thể không hiểu nên chúng tôi đề nghị team phát triển sử dụng vòng xoáy ốc để thay thế.
Liên quan đến chuyện bạn nói vừa xong về việc mang những khái niệm chỉ có trong tiếng Nhật như happi vào tiếng Anh, sẽ có những trường hợp kiểu như một kỹ năng được phát âm là “Invincible” trong bản tiếng Nhật lại được dịch thành “Hallowed Ground”. Lí do đằng sau việc thay đổi một từ vốn đã là tiếng Anh thành một kiểu tiếng Anh khác như thế này là gì? Các ngôn ngữ khác có như vậy không?
Kate:
Sẽ tồn tại một số lí do tại sao tiếng Anh lại xuất hiện trong bản tiếng Nhật và bản chuyển ngữ đôi khi lại có sự khác biệt. Đầu tiên là triết lý cơ bản trong dịch thuật của FFXIV – do Yoshida-san tạo nên – mọi ngôn ngữ đều phải mang đến trải nghiệm tương đương cho người chơi. Nếu thứ gì đó khiến người Nhật cảm thấy hay ho nhưng người Anh lại thấy “cũng được” thì sẽ bị loại bỏ.
Từ vựng ngoại ngữ thường mang lại cảm giác thú vị! Khi bàn luận về anime ở Mỹ, mọi người hay sử dụng “kawaii” hay “neko”, mặc dù họ hoàn toàn có thể nói “cute” hoặc “cat”. Những từ đã quá quen thuộc trong tiếng mẹ đẻ sẽ gây ra sự nhàm chán.
Lí do tiếp theo mà nhiều người không nghĩ tới đó là nhiều khi chúng tôi lại nghĩ ra tên tiếng Anh trước. Nhưng cái tên đó đôi khi quá khó hiểu với người Nhật, hoặc chuyển tự sang chữ katakana xong thì trông như một mớ hỗn độn.
Chúng tôi luôn cố gắng tránh để xảy ra kịch bản có những tên tiếng Anh hoàn toàn khác nhau của cùng một sự vật ở các phiên bản của FFXIV, bằng cách thảo luận trước về các tên gọi. Các đồng nghiệp người Nhật luôn sẵn lòng làm việc với chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi cũng không muốn phát sinh những việc không cần thiết nhưng đôi khi không thể tìm ra được một thứ vừa dễ hiểu với người Nhật mà vừa thú vị với người Anh.
Pierre (French):
Không có nhiều skill được đặt tên bằng tiếng Pháp trong game. Nhưng có một lần chúng tôi phải nghĩ từ khác để thay thế mặc dù tên gốc vốn đã là tiếng Pháp rồi, đó là nguồn tài nguyên được các vũ công sử dụng – “Esprit”. Đây là từ chúng tôi đã dùng cho chỉ số “Mind”, nên bắt buộc phải đổi để tránh gây ra hiểu lầm (kết quả là chúng tôi thay bằng “Fascination”).
Thế còn về những câu thoại mà bạn đã tự mình dịch? Bạn có yêu thích đặc biệt với câu nào hoặc cảm thấy gặp nhiều khó khăn lúc dịch không?
Pierre:
Đây không phải là câu của tôi và chỉ xuất hiện đôi ba lần trong game, nhưng nhắc cái là tôi nhớ đến ngay lập tức: “Bons Dieux de bon sang de bordel de bombo en bois !” Tôi thích câu này lắm! Rất khó để giải thích cho ai không biết tiếng Pháp, nhưng cứ hiểu nó là một câu chửi thề trong FFXIV, có chứa chữ “Mười Hai Vị Thần” và tên một loại quái vật quen thuộc, “bomb”.
Về phần thử thách thì tôi sẽ nói là cách nói chuyện của các pixi. Một điểm quan trọng là những sinh vật đó không có giới tính. Chúng tôi từng sử dụng phương án nam giới/trung tính cho Sylph hồi 2.0, nhưng với pixi, chúng tôi muốn thử một thứ gì đó mới lạ. Tính chất không có giới tính này chưa bao giờ được đề cập trong cốt truyện, nên chúng tôi không muốn sử dụng những từ ngữ đặc biệt có thể làm nhân vật là con người cảm thấy kinh ngạc. Chúng tôi nghĩ “Nếu như chúng không sử dụng những từ chỉ giới tính khi nói về bản thân thì sao nhỉ? Nếu thế thì chúng có thể sử dụng cách nói chuyện như thế này mà không ảnh hưởng đến luồng kịch bản”. Chúng tôi quyết định như thế nhưng sớm nhận ra là đôi khi sẽ gặp những khó khăn nhất định, kể cả khi đã vận dụng mẹo ngữ pháp và câu kiểu ái nam ái nữ.
Có một điều mà chúng tôi thấy khá thú vị, đó tên các bản patch thường không chuyển thể trực tiếp từ tiếng Nhật mà được biến tấu khác xa so với nguyên gốc. Chúng tôi đặc biệt thích cách lựa chọn từ ngữ cho bản Patch 3.1 “As Goes Light, So Goes Darkness” (Ánh sáng ra sao, Bóng đêm như vậy), trong khi đó nguyên bản tiếng Nhật là 光と闇の境界 nếu hiểu đúng thì sẽ là “Ranh giới giữa Bóng tối và Ánh sáng”. Team bản địa hóa quyết định những bản dịch kiểu đó như thế nào? Các ngôn ngữ khác có đi theo công thức tương tự không, lựa chọn cách dịch làm nổi bật cốt truyện đến với đối tượng khán giả mục tiêu hơn?
Kate:
Chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết tiêu đề tiếng Nhật và tiếng Anh được lựa chọn cùng một lúc đó! Với mỗi bản patch, tác giả kịch bản sẽ gửi tóm tắt những gì sẽ diễn ra với cốt truyện và nhân vật, bên cạnh ý tưởng của họ với nhan đề tiếng Nhật cho nhóm bản địa hóa tiếng Anh. Sau đó chúng tôi sẽ đưa ra những gợi ý (thông qua quá trình brainstorming) sử dụng cùng chủ đề và/hoặc keyword như trong tiếng Nhật. Chúng có thể là bản dịch sát nghĩa nhưng vì không cần thiết nên chúng tôi thường bổ sung thêm diễn giải dành cho mỗi ý tưởng. Sau đó Yoshida-san sẽ xem rồi thêm nhiều buổi trao đổi và brainstorming trước khi lựa chọn được một cặp tựa đề tốt cho cả hai. Đó là một quy trình bản địa hóa tương đối khác biệt so với tưởng tưởng của nhiều người, nhưng chúng tôi không muốn giới thiệu cho khán giả những thứ không khiến họ cảm thấy hứng thú.
Pierre:
Patch và bản mở rộng chỉ có tiêu đề bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Một số lần duy nhất mà tên một bản patch xuất hiện dưới đạng tiếng Pháp là khi được đăng trên một website đặc biệt và khi xuất hiện trong tên nhiệm vụ trong cốt truyện chính. Với các trường hợp đó, chúng tôi cố gắng không đi quá xa khỏi tựa tiếng Anh để mọi người hiểu mình đang muốn nói gì.
Đội bản địa hóa còn có trách nhiệm truyền tải lời nhắn nhủ từ các nhà sáng tạo của FFXIV như Yoshida-san đến người hâm mộ quốc tế, ở các sự kiện và các dịp khác nữa. Xử lý các yêu cầu như thế có cần cách tiếp cận đặc biệt nào không?
David:
Đối lập với dịch nội dung in-game, chúng tôi phải bám sát với câu tiếng Nhật nhất có thể. Các chương trình Letter from the Producer Live được lên cấu trúc rất cẩn thận và biên tập nhiều lần để đảm bảo nội dung truyền tải được chính xác.
Pierre:
Điều quan trọng không phải chỉ ở việc dịch đúng nghĩa, mà còn phải truyền tải được tình cảm của họ, và hiểu được trạng thái tinh thần của những người sẽ đọc những câu nói đó. Đây là việc chúng tôi làm thường xuyên, ngay cả trong game nữa, nhưng càng phải cẩn thận hơn khi dịch câu chữ của những người đang phát triển game và đưa đến cho người chơi.
Kate:
Tôi nghĩ là một số chi tiết phải được chăm sóc kỹ lương khi dịch những thông báo kiểu như vậy – chủ yếu là vì mọi người sợ sẽ dịch nhầm những từ quan trọng – ví dụ như âm điệu của câu nói chẳng hạn. Chúng tôi đảm bảo giữ lại không chi ngữ nghĩa những gì mà các nhà phát triển đã nói, mà còn là sự trầm tĩnh và chuyên nghiệp của Yoshida-san, hay thái độ tự nhiên nhưng vô cùng chuyên nghiệp khi động đến các nhạc cụ của Soken-san.
Cuối cùng, các bạn có lời nhắn nhủ nào dành cho người hâm mộ không?
Pierre:
Chúng tôi cảm ơn các bạn rất nhiều. Có những bạn mới phát hiện ra FFXIV gần đây, có bạn đã chơi từ 1.0 hay thậm chí là từ FFXI. FFXIV sẽ không thể phát triển lớn mạnh như bây giờ nếu không có sự ủng hộ của các bạn.
Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ góp ý nào với phiên bản tiếng Pháp, hãy phản hồi trên diễn đàn nhé. Có thể không trả lời được ngay nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đọc hết mọi tin nhắn trên đó và ghi nhận ý kiến của các bạn!
Cuối cùng, các bạn có biết là trên Lodestone có rất nhiều truyện ngắn mở rộng lore của FFXIV không? Chúng thường bị bỏ qua nên hãy đọc thử nếu bạn muốn biết nhiều hơn về cốt truyện game nhé!
David:
Tôi muốn dành lời ca ngợi và cảm ơn sâu sắc đến cộng đồng vì đã hứng thú với công việc bản địa hóa, đồng thời liên tục báo cáo về các lỗi dịch thuật trên diễn đàn. Tôi đảm bảo với người hâm mộ rằng chúng tôi theo dõi các chủ đề rất sát sao và sửa ngay khi có thể. Phản hồi của chúng tôi có thể mất chút thời gian, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, nhưng chắc chắn cuối cùng vẫn có trả lời cả. CÁM ƠN CÁC BẠN!
Kate:
Cũng như những gì mọi người đã nói thôi! Tôi còn muốn chia sẻ thêm là chúng tôi còn đọc cả subreddit FFXIV và lướt Twitter nữa đấy, nên nếu bạn nghĩ đã đăng tải một câu thoại hài hước hay bất kỳ thứ gì tương tự, bạn đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Việc có nhiều người hứng thú với cốt truyện, lore, thậm chí là cả công tác bản địa hóa khiến chúng tôi cảm thấy thành quả của mình được trân trọng. Chúng tôi rất vui vì các bạn yêu mến FFXIV. Cám ơn rất nhiều, hẹn gặp ở trong game nhé.
Maki:
Tôi muốn dành lời cảm kích đến tất cả người chơi vì đã tham gia vào FFXIV, đồng thời là cả sự hỗ trợ nhiệt tình của đội bản địa hóa.
Có thể bạn chưa biết phần cài đặt ngôn ngữ trong game ở đâu vào lúc này, nhưng tôi nghĩ bạn nên thử xem qua một lần, nghe qua toàn bộ các đoạn cắt cảnh hay âm thanh trong chiến trận ở những thứ tiếng mà bạn chưa thử trước đây. Việc thay đổi audio vô cùng dễ dàng trong menu Configuration, nên bạn có thể giữ nguyên phần text và chuyển đổi qua lại giữa các giọng lồng tiếng theo từng ngày. Dù là ngôn ngữ nào thì vẫn là FFXIV mà bạn đã biết và yêu mến, nhưng bạn có thể tìm thấy một sự mới mẻ nhất định.
Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết mình để trợ giúp cho các dịch giả tận tâm của mình, làm sao họ đạt được kết quả tốt nhất. Tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục sát cánh cùng chúng tôi trên chuyến hành trình này – tới bất kỳ đâu mà FFXIV dẫn đến!