Eorzea, vùng đất được yêu quý bởi các vị thần, và được trui rèn từ những vị anh hùng.
Nội dung dưới đây được dịch lại từ cuốn sách Encyclopaedia Eorzea – The World of Final Fantasy XIV.
Những thực thể mà văn bản dưới đây đề cập đến là Mười hai vị thần, những trụ cột vững chắc trong tín ngưỡng của người Eorzea.
MỘT SỐ THUẬT NGỮ ĐƯỢC SỬ DỤNG THƯỜNG XUYÊN
- Họa tai ương (Calamity): Ám chỉ một biến cố báo hiệu dấu chấm hết cho thời kỳ thịnh vượng – Kỷ Tinh Tú (Astral Era), mở đầu cho thời kỳ gian khổ của loài người, hay còn được gọi là Kỷ Bóng Đêm (Umbral Era). Lịch sử Eorzea cho đến nay có tất cả bảy Họa tai ương, trường hợp gần nhất là ám chỉ thảm họa Kỷ Bóng Đêm Thứ Bảy – sự sụp đổ của mặt trăng Dalamud vào năm 1572 của Kỷ Tinh Tú Thứ Sáu, dẫn đến việc Bahamut được thả ra ở Đại chiến Carteneau.
- Aether: Nguồn năng lượng được tìm thấy ở thế giới Hydaelyn, là nguồn cội của phép thuật và sự sống.
THỜ PHỤNG MƯỜI HAI VỊ THẦN
Tín ngưỡng tin vào Mười hai vị thần, những vị chúa trời bác ái trong thần thoại gồm cả nam thần và nữ thần. Mỗi người đại diện cho một trong sáu nguyên tố tự nhiên kiến tạo sự sống, góp phần tạo nên vai trò cho sự khải huyền và đồng thời là cột mốc của nền văn minh Eorzea suốt hàng thiên niên kỷ. Mặc dù những nhà thần học không biết rõ được sự khởi đầu của việc tôn thờ Mười hai vị thần ở Eorzea, nhưng thông qua công cuộc nghiên cứu những tàn tích của nền văn minh người Allag, cho ra kết quả rằng từ ít nhất 5000 năm về trước vào thời kì hoàng kim của Kỷ Tinh Tú Thứ Ba, những vị thần này đã có vị trí ảnh hưởng trong văn hóa xã hội lúc bấy giờ, và kéo dài cho đến tận ngày nay. Mức độ ảnh hưởng lan truyền không chỉ riêng ở việc chia một năm thành 12 tháng trăng, hay chu kỳ 12 năm được sử dụng trong bộ môn chiêm tinh học hiện đại; mà nhiều thành thị còn lựa chọn một vị thần đại diện làm người bảo hộ và che chở cho vùng đất của họ, và vị thần ấy trở thành tâm điểm cho sự phát triển của cả một nền văn hóa. Một ví dụ điển hình là vị thần Nald’thal cùng quan điểm giá trị tư tưởng trong nền kinh tế của người Ul’dah.
Cũng có những trường hợp một người xuất thân từ một chủng tộc nào đấy, hoặc chuyên tâm trong một lĩnh vực sẽ tập trung tôn thờ một vị thần liên quan. Nhiều người Miqo’te thuộc bộ lạc Tín đồ Mặt Trời (Seekers of the Sun) sẽ nghe theo lời dạy bảo của vị thần Azeyma, Người Bảo Hộ (Warden) và là Nữ thần của Mặt trời. Các thủy thủ đoàn thường cầu nguyện trước nữ thần Llymlaen, Người Canh giữ Biển cả (Watcher of the Seas) và Người Dẫn Lối (Goddess of Navigation), để dẫn dắt tàu thuyền của họ được bình an cập bến. Những thợ thủ công sẽ cầu nguyện nam thần Byregot để hướng dẫn cho đôi tay của họ.
Sơ đồ mối quan hệ giữa các vị thần
HALONE, Kẻ Thịnh Nộ (The Fury)
Halone, Người Mang Sông Băng, nữ thần chiến tranh, đồng thời cũng là vị thần bảo hộ của thành trì Ishgard. Bà cai quản nguyên tố băng, và được gắn với tháng trăng thứ nhất trong lịch của người Eorzea. Halone có cha là nam thần Rhalgr, và Nophica xem bà là kẻ thù. Bà thường được khắc họa là một chiến binh quả cảm tay mang đại khiên bằng đồng. Biểu tượng của bà là ba ngọn giáo.
Biểu tượng của Halone đặt ở vùng Cái Nhìn Của Kẻ Thịnh Nộ (Fury’s Gaze), thuộc cao nguyên trung tâm Coerthas (Coerthas Central Highland). Trước thời điểm Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở khu vực cùng tên tại Hồ Đôi (Twinpools) của Coerthas.
Halone Gerbera được cho là loài hoa được các nữ thần rất yêu thích.
Vị trí của biểu tượng Halone ngày nay.
MENPHINA, Thần tình yêu (The Lover)
Menphina là nữ thần cai quản cặp mặt trăng song sinh (Keeper of the Twin Moons) và tình yêu. Bà điều khiển nguyên tố băng, được gắn với tháng trăng thứ hai theo lịch của người Eorzea. Menphina có người chị là nữ thần Azeyma, và là người tình linh thiêng của Oschon. Bà được khắc họa là một người nữ hầu phục tay cầm một cái chảo tròn. Biểu tượng của bà là trăng rằm.
Biểu tượng của Menphina đặt ở gần pháo đài Steel Vigil thuộc cao nguyên trung tâm Coerthas. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở khu núi đá Gwyr-Aen, Coerthas.
Người Miqo’te thuộc bộ lạc Những kẻ cai quản Mặt Trăng (Keepers of the Moon) có truyền thống thờ phụng Menphina.
Vị trí của biểu tượng Menphina ngày nay.
THALIAK, Nhà Học Giả (The Scholar)
Thaliak là vị nam thần của sông suối (Ruler of Rivers) và là thần tri thức. Ông đồng thời cũng là vị thần bảo hộ của người Sharlayan. Ông cai quản nguyên tố nước và được gắn với tháng trăng thứ ba theo lịch của người Eorzea. Thaliak là cha của nữ thần Llymlaen, người thầy của Byregot. Ông được khắc họa là một nhà học giả kín đáo tay cầm một cây gậy gỗ trần bì. Biểu tượng của ông là một cuộn giấy ghi chép.
Biểu tượng của Thaliak đặt ở Rathefrost, Mor Dhona. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở cột tinh thạch tại Hầm mộ của vua Xande, phía Tây Bắc của Trại Brittlebark, Mor Dhona.
Những cái tên như Sông Thaliak, Cá sấu Thaliak, Cá bống Scholar Sculpin và Rễ cây Thaliak đều ám chỉ đến nam thần này.
Quyền trượng Tupsimati của Quan Chấp Chính Louisoix cũng có biểu tượng nam thần Thaliak.
Vị trí của biểu tượng Thaliak ngày nay.
NYMEIA, Người Thêu Dệt (The Spinner)
Nymeia là nữ thần cai quản những thánh thể (Watcher of Celestial Bodies) và là thần của số mệnh. Bà mang trong mình nguyên tố nước và được gắn với tháng trăng thứ tư theo lịch của người Eorzea. Nymeia là em gái của nam thần Althyk, sư phụ của Rhalgr. Bà được khắc họa là một thợ dệt mặc một tấm vải lụa trắng. Biểu tượng của bà là khung cửi.
Biểu tượng của Nymeia đặt ở phía nam Bãi cạn Moraby (Moraby Bay), Hạ du La Noscea (Lower La Noscea). Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy tại vách núi thuộc Vịnh Moraby, Hạ du La Noscea.
Nymeia chính thức trở thành nữ thần cai quản của Ala Mhigo trong thời kỳ cai trị của Vua Theodoric, từ năm 1552 đến khi thành trì này sụp đổ năm 1557.
Hoa lily Nymeia mọc trên các bia mộ được coi là lễ vật cho người chết.
Vị trí của biểu tượng Nymeia ngày nay.
LLYMLAEN, Người Dẫn Lối (The Navigator)
Llymlaen, nữ thần cai quản biển cả (Watcher of the Seas) và định vị (Navigation), đồng thời cũng là thần bảo hộ của Limsa Lominsa. Bà điều khiển nguyên tố gió và được gắn với tháng trăng thứ năm theo lịch của người Eorzea. Llymlaen là con gái của nam thần Thaliak, có người em gái là Nophica. Bà được khắc họa là nữ ngư dân mạnh mẽ, tay cầm một cần câu cá dài. Biểu tượng của bà là cơn sóng.
Biểu tượng của Llymlaen đặt ở Sân Mỏ Neo, Boong Trên Limsa Lominsa, nhìn ra phía bến cảng từ trên cao, dưới chân một tượng đài. Nó chính là hòn đá mà Y’shtola cầu nguyện ở đoạn cắt cảnh “End of an Era” khi Dalamud rơi xuống Eorzea.
OSCHON, Người Lưu Lạc (The Wanderer)
Oschon cai quản những ngọn núi (Ruler of the Mountains) và là nam thần của những người lưu lạc, lang thang. Ông cai quản nguyên tố gió, và được gắn với tháng trăng thứ sáu theo lịch của người Eorzea. Oschon là anh em của nam thần Nald’thal, người đồng hành thân thiết của nữ thần Halone. Ông được khắc họa là một cung thủ vô lo, tay mang một cây cung gỗ thủy tùng. Biểu tượng của ông là một cây gậy.
Biểu tượng của Oschon đặt ở gần Thành phố lơ lửng của Người Nym, bên ngoài La Noscea (Outer La Noscea). Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở khu Hồ Sắt (Iron Lake), Thượng du La Noscea (Upper La Noscea).
Đuốc Oschon (Oschon’s Torch) là một ngọn hải đăng tại Nắm Tay Của Chúa (God’s Grip), Hạ du La Noscea. Nó nằm đối diện với một hải đăng khác là Nhẫn Llymlaen. Sau khi Nắm Tay Của Chúa bị tách khỏi đảo chính Vylbrand do sự kiện Họa tai ương, một cây cầu có tên Cái Ôm Của Oschon (Oschon’s Embrace) đã được xây dựng.
Vị trí của biểu tượng Oschon ngày nay.
BYREGOT, Người Xây Dựng (The Builder)
Byregot là bậc thầy của kiến trúc và thị trường, là nam thần của nghệ thuật. Ông cai quản nguyên tố sét và được gắn với tháng trăng thứ bảy trong lịch của người Eorzea. Byregot là anh của nữ thần Halone, học trò của Thaliak. Ông được khắc họa là người thợ rèn năng nổ với một cây búa hai đầu. Biểu tượng của ông là bàn tay.
Biểu tượng của Byregot đặt ở phía tây bắc Trại Tranquil, phía Nam Shroud. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở một cái hồ gần Trại Crimson Bark trong khu Thác nước Pixie, Black Shroud.
Địa danh Đòn đánh của Byregot (Byregot’s Strike) ở Miền Nam Thanalan được đặt theo tên của Người Xây Dựng.
Vị trí của biểu tượng Byregot ngày nay.
RHALGR, Kẻ Hủy Diệt (The Destroyer)
Rhalgr, kẻ phá hủy thế giới (Breaker of Worlds), là nam thần của sự hủy diệt và là thần hộ mệnh của những thế hệ yêu nước người Ala Mhigo (nay là quốc gia thuộc địa Ala Mhigo). Ông cai quản nguyên tố sét và được gắn với tháng trăng thứ tám theo lịch của người Eorzea. Rhalgr là người cha của cả hai vị thần Byregot và Halone, và là người phụng sự nữ thần Nymeia. Ông được khắc họa là một vị pháp sư vĩ đại tay cầm cây gậy bằng đồng. Biểu tượng của ông là một tảng thiên thạch đang lao xuống.
Biểu tượng của Rhalgr đặt tại Tiểu Ala Mhigo (Little Ala Mhigo), Miền Nam Thanalan. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy tại ngôi làng người tị nạn của Tiểu Ala Mhigo, phía nam Trại Drybone, Thanalan.
Mật Rhalgr (tên một loại thuốc) được đặt tên theo vị thần hủy diệt này; nhờ độc tính khủng khiếp mà nó được dùng trong vụ ám sát một vị vua của Ala Mhigo.
Vị trí của biểu tượng Rhalgr ngày nay.
AZEYMA, Người Bảo Hộ (The Warden)
Azeyma là nữ thần cai quản mặt trời (Keeper of the Sun) và của điều tra. Nguyên tố đại diện cho bà là lửa và được gắn với tháng trăng thứ chín trong lịch của người Eorzea. Azeyma là con gái của nam thần Althyk, chị của nữ thần Menphina. Bà được khắc họa là người phụ nữ danh giá tay cầm cây quạt vàng với biểu tượng là mặt trời.
Biểu tượng của Azeyma đặt ở gần Bức Tường Cháy (Burning Wall), Miền Đông Thanalan. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở vùng Sandgate, Miền Đông Thanalan, trên một vách núi nhìn ra sa mạc Đại Thức Tỉnh (Grand Wake).
Người Miqo’te thuộc bộ lạc Tín đồ Mặt Trời tôn thờ Azeyma.
Trước Họa tai ương, Lá chắn của Azeyma (Azeyma’s Shields) là một tổ chức chiến đấu chống lại các mối đe dọa bên trong các thành trì của Eorzea.
Vị trí của biểu tượng Azeyma ngày nay.
NALD’THAL, Thương Gia (The Traders)
Nald’thal, người giám sát địa ngục (Overseer of the Underworld), nam thần của thương mại (Commerce), đồng thời còn là thần bảo hộ của người dân Ul’dah. Ông cai quản nguyên tố lửa và được gắn với tháng trăng thứ mười trong lịch của người Eorzea. Nald’thal là sự hiện thân duy nhất của hai vị thần song sinh Nald và Thal, đại diện cho sự sống và cái chết. Ông được khắc họa là một người thương buôn sành điệu tay cầm cán cân. Biểu tượng của ông là một vỏ sò cổ đại dùng làm tiền tệ.
Tượng thờ thần Nald được đặt tại Hầm mộ Milvaneth (Milvaneth Sacrarium) trong khu vực Bước chân của Nald (Steps of Nald), thành phố Ul’dah. Hiện nay khu vực này đang được sửa chữa do thiệt hại từ thiên tai.
Tượng thờ thần Thal được đặt tại Arrzaneth Ossuary trong khu vực Bước chân của Thal (Steps of Thal), thành phố Ul’dah.
Nald’thal là thành viên duy nhất của Mười hai vị thần có hai hòn đá tượng trưng. Vị trí của chúng luôn đặt ở hai bức tượng của Nald và Thal tại Ul’dah. Phiến đá của Thương Nhân Hoàng Hôn (Mark of the Dusk Trader) là nơi mà Thancred cầu nguyện trong cắt cảnh “End of an Era” khi Dalamud rơi xuống.
NOPHICA, Người Bảo Mẫu (The Matron)
Nophica, người trông nom đất trồng (Tender of Soils) và thu hoạch, nữ thần của sự phong phú, và đồng thời còn là người bảo hộ của Gridania. Bà cai quản nguyên tố đất, được gắn với tháng trăng thứ mười một trong lịch của người Eorzea. Nophica là con gái của nữ thần Azeyma, em gái của nữ thần Llymlaen. Bà được khắc họa là một người nông dân rạng rỡ tay cầm cây lưỡi gặt bằng thép. Biểu tượng của bà là một nhánh cây mùa xuân.
Biểu tượng của Nophica đặt ở lối vào ngôi đền Stillglade, Gridania Cũ. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy bên trên Trứng Rắn Trời (Skyserpent’s Egg) tại Bệ thờ Nophica (Nophica’s Altar), dẫn vào Đền Stillglade. Phiến đá của Bảo Mẫu chính là nơi mà Papalymo và Yda cầu nguyện trong cắt cảnh “End of an Era” khi Dalamud rơi xuống.
Giếng Thần Nophica (Nophica’s Wells) ở Miền Tây Thanalan có tên như vậy vì nó từng là một ốc đảo. Nguồn nước ở đây đã bị khô cạn do biến đổi khí hậu trong Kỷ Bóng Đêm Thứ Bảy.
- Có một bài thánh ca được lưu truyền trong tầng lớp nông dân ở Gridania để ca tụng Nophica, lời của nó như sau:
- Nụ cười ấm áp của mặt trời và hơi thở mát lạnh của gió,
- Tôi xin được gửi đến Người,
- Để quả được chín cây và hạt được gieo trồng,
- Nuôi dưỡng những đứa con luôn hướng về Người.
- Biểu tượng Nophica ngày nay.
ALTHYK, Người Canh Giữ (The Keeper)
Althyk là người kiểm soát sự thay đổi (Surveyor of Change) và không gian, là chúa tể của thời gian. Ông cai quản nguyên tố đất, và được gắn với tháng trăng thứ mười hai theo lịch của người Eorzea. Althyk là cha của hai vị nữ thần Azeyma và Menphina, anh trai của nữ thần Nymeia. Ông được khắc họa là một vị vua nghiêm khắc tay mang một cây đại rìu bằng bạc mythril. Biểu tượng của ông là chiếc đồng hồ cát.
Biểu tượng của Althyk đặt ở Nam Shroud, gần Pháo đài Amdapor. Trước Họa tai ương, nó còn được tìm thấy ở một cụm đá tảng gần Lynxpelt Patch, Black Shroud.
Althyk’s Lavender là một giống hoa oải hương xuất hiện ở vùng trũng Thanalan. Vì độ quý hiếm của mình mà nó thường được dùng làm đồ cúng tế trong các lễ tang ở Nhà thờ Thánh Adama Landama.
Louisoix, ở trận chiến cuối cùng với Bahamut đã sử dụng sức mạnh của Althyk để đưa các vị anh hùng tới địa điểm an toàn.
Vị trí của biểu tượng Althyk ngày nay.
KIẾN TẠO (Creation)
Truyền thuyết kiến tạo trong Eorzea đã trải qua hàng ngàn phương diện theo thời gian. Một nhà chiêm tinh học nổi bật và cũng là nhà thần học, Lewphon vùng Sharlayan, đã dành cả cuộc đời sự nghiệp học vấn của mình để nghiên cứu những mặt khác nhau của các phiên bản này và biên soạn lại để có được những gì mà ông tin rằng là truyền thuyết đích thực của thế giới.
Thuở ban đầu, ánh sáng hoặc bóng tối đều không tồn tại. Chỉ có Vòng Xoáy.
Và chỉ đến lúc Althyk trồi lên từ sự trơ trụi của mình, thời gian bắt đầu vận chuyển.
Trong tay Ngài, Kẻ Canh Giữ (The Keeper) mang theo trọng lực, và những vùng đất và không gian được định hình theo đó.
Tuy nhiên, Althyk không đơn độc một mình, vì chỉ sớm sau đó Vòng Xoáy đã vươn tiếp một bước.
Tên của Bà là Nymeia, và Bà chỉ mới là một đứa bé chỉ biết khóc, nhưng nước mắt của Bà theo thời gian tạo thành một cái hồ khổng lồ.
Althyk, luôn tìm kiếm người bạn đồng hành trong vùng đất do ông tạo ra, đã che chở cho vị nữ thần bé nhỏ, quan tâm như người con gái của mình.
Khi Nymeia trưởng thành, tình cảm của cả hai cũng theo đó lớn dần, cho đến lúc không thể cưỡng lại được, đạt đến ngưỡng điểm của một đôi tình nhân linh thiêng, họ đã cho ra đời hai người con gái: Azeyma – Mặt trời, và Menphina- Mặt trăng. Với sự xuất hiện của Azeyma và Menphia, mà ban ngày và ban đêm mới dần thai nén.
Trải qua hàng dài những chu kì của ánh sáng và bóng tối từ Vòng Xoáy. Một lần nữa, nó lại vươn tiếp một bước.
Thaliak, Người mang tri thức và sự thông thái, nhìn xa xăm về bầu không gian tĩnh lặng, tạo ra sự thay đổi từ hồ nước mắt của Nymeia, vẽ ra những đường rãnh và dẫn nước đi tới những cõi xa của vùng đất.
Azeyma, bị thu hút bởi sự minh mẫn của Thaliak, biểu lộ tình yêu của mình với vị nam thần mới này, hạ sinh cho Ngài hai người con gái. Chị cả Llymlaen, sử dụng những giọt nước mắt từ người bà của mình, đẩy chúng ra ngoài khơi và hình thành biển cả.
Cô em Nophica, người luôn mong mỏi sự đồng hành, đã chế tạo ra những người bạn cho chính bà, sự sống bắt đầu xuất hiện từ đấy.
Khi Vòng Xoáy chìm vào giấc ngủ, sự sống bắt đầu tràn ngập ở khắp muôn nơi để rồi một vị thần mới xuất hiện, mặc dù từ đâu thì không một ai biết.
Tên của Ngài là Oschon, và ở những nơi Ngài đặt chân qua, nơi đấy mọc lên những dãy núi trùng điệp.
Với sự hình thành của những khối chóp nhọn này, mà gió bắt đầu thổi từ trên cao xuống vùng biển ấm áp rồi trở ngược lại, mang sinh mệnh mà một thời chỉ dành cho đất và nước lên trên trời.
Những làn gió ấy đem tình yêu đến với trái tim của Llymlaen. Dù Bà luôn mong ước được ở bên Oschon, nhưng bản tính lang thang tự nhiên của Ngài luôn chia cách hai người, và cho đến về sau cả hai vẫn chưa có nổi một mụn con.
Thời điểm này là lúc thịnh vượng của kiến tạo, nhưng cũng là của bạo loạn.
Những ngọn núi của Oschon trồi lên và sụp xuống theo ý muốn của Người, những dòng sông của Thaliak đi đến đây và đó, biển cả của Llymlaen ngày một to lớn, nuốt chửng những bờ đất trước khi những vị Thần kịp nhận ra.
Nhằm mang lại trật tự cho sự hỗn loạn này, Nymeia vươn tới một sao chổi trên thiên đàng, thổi sự sống cho nó, và rồi kéo xuống mặt đất để nó có thể phá hủy những sự dư thừa quá độ do những người con trai và con gái của Bà đã chế tác, và đồng thời mang sự thịnh vượng quay trở về vùng đất này một lần nữa.
Và rồi trải qua nhiều ngày yên bình, những điều mà các vị thần làm ra theo trật tự nay đã trở thành tuyệt tác.
Đó cũng là lúc Vòng Xoáy thức tỉnh từ cơn ngủ say và mang theo hai vị thần khác nữa, Byregot cùng người em gái của Ngài, Halone.
Nỗi lo về một ngày trật tự sẽ lại thay đổi, hỗn loạn sẽ một lần nữa nảy sinh bởi những thế hệ sau, tham vọng và thiếu kiểm soát, khiến Nymeia nhanh chóng bổ nhiệm Rhalgr, Kẻ Hủy Diệt, làm thầy của họ để chắc chắn họ có đủ sự kỷ luật.
Là một người kiến tạo từ lúc sinh ra, Byregot, phẫn uất khi người cha kế của mình chỉ biết dạy cho Ngài mỗi sự phá hủy, đã dành phần lớn thời gian của mình dưới sự giám hộ của Thaliak.
Nhà Học Giả ban cho học trò của Người những kiến thức sử dụng để chế tạo những công cụ và kĩ năng của sự tạo tác.
Mặc dù cởi mở hơn với những bài giảng từ người cha dượng, Halone theo thời gian cũng trở nên bồn chồn và mong muốn được chứng tỏ kĩ năng của bản thân.
Cơ hội mở ra trong một lần Oschon mời bà tham gia một trong những chuyến du hành của mình.
Và trong những lần đi này, mà tham vọng của Halone từ từ chuyển thành nỗi thèm khát chiến tranh.
Trên chặng đường, Bà luôn thách thức mọi sinh vật Bà gặp, nâng cao kỹ năng và phát minh ra nhiều phương pháp giết chóc.
Khi Nophica, mẹ thiên nhiên, biết được sự phá hủy khốn khổ của Halone lên những tạo vật của Bà, Bà tức giận và thề sẽ trả thù, nhưng Cơn Thịnh Nộ phớt lờ lời thách thức của Người Bảo Mẫu, làm tăng khoảng trống trong mối quan hệ của cả hai.
Oschon, nhận trách nhiệm về lỗi lầm này, lên kế hoạch để làm nguôi ngoai Nophica.
Từ trong những ngọn núi của Người, Oschon tạo ra dung nham chảy xuống mặt đất.
Khi nguội đi, dung nham trở thành hình hài thứ Mười hai và là vị thần cuối cùng, hai nhân tố song sinh Nald’thal.
Cùng với Nald’thal, Oschon tạo cho vị thần khả năng trông coi những linh hồn, tiếp nhận cái chết và mang cho họ sự bình an ở kiếp sau.
Thỏa mãn khi những tạo vật của Bà không còn phải lang thang vương vẫn ở cõi hư vô, Nophica đồng ý với cam kết với Halone.
Và với sự xuất hiện của Mười hai vị thần, bài ca được hoàn tất.
Nhưng trước khi Họ có thể kết thúc cho sự khó nhọc bao thế kỷ qua, Họ cần một vùng đất để có thể nghỉ ngơi và ngắm nhìn những kì tác của mình.
Cuối cùng, Họ tạo ra bảy thiên đàng, và từ đó Họ lui về chỗ nghỉ, giao phó Eorzea về cho nhân loại.
THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC (Hells and Heavens)
Mỗi nam thần và nữ thần của Mười hai vị thần đều được gắn với một trong sáu nguyên tố mà họ kiểm soát. Khi công việc của Họ dành cho Eorzea được hoàn tất, Họ tiến hành chế tạo ra chiều không gian mới, và kết quả chúng ta có sáu vùng thiên đàng tương ứng với sáu nguyên tố, và vùng địa đàng thứ bảy cai quản tất cả. Tuy nhiên, phần tàn dư còn lại của những thiên đường này là sáu địa ngục tương ứng, cai quản bởi địa ngục thứ bảy. Sáu “tiểu thiên đàng” được biểu trưng trên bầu trời bằng sáu chòm sao, những cụm hành tinh mà các nhà chiêm tinh học nhận thức là những cánh cổng, mà một khi đã mở ra sẽ cho phép con người trở thành một phần của thiên đường và thao túng aether của họ. Những chòm sao này xoay quanh ngôi sao điểm cực, và được tin rằng là cánh cổng dẫn đến thiên đường thứ bảy và cũng là cuối cùng.
Tuy một vài giáo phái thờ phụng Mười hai vị thần có những góc nhìn khác nhau về kiếp sau, phần lớn đều tin vào việc nếu người làm việc tốt sẽ được gửi gắm lên thiên đàng, trong khi những kẻ tội lỗi sẽ bị đày đọa xuống địa ngục vĩnh cửu để bị xét xử. Một tín ngưỡng nổi tiếng của nhà thần học và cũng đồng thời là biên soạn cho Kỷ Tinh Tú Thứ Sáu nhấn mạnh rằng, khi một kẻ bị chết, hắn sẽ được gửi xuống địa ngục tương ứng với tội lỗi mà do hắn gây ra khi còn sống. Một khi đã hứng chịu cái giá cho tội lỗi phải trả, hắn phải du hành qua năm địa ngục còn lại để chứng kiến những tội lỗi do những người anh em của hắn gây ra, trước khi đặt chân đến ngưỡng cửa địa ngục thứ bảy, nơi mà trái tim của hắn sẽ được đong đo. Nếu như nó trở nên nặng trĩu với nỗi thống khổ và sự ăn năn về những gì mà mình đã làm, hắn sẽ được gửi lên thiên đường. Nhưng nếu như trái tim của hắn không có trọng lượng, hắn sẽ bị kết tội ở địa ngục thứ bảy, nơi mà hắn sẽ chịu đựng sự dày vò không hồi kết.
Địa ngục và Thiên đàng của Lửa (Hỏa Ngục và Hỏa Đàng)
Ở trong thiên đàng của Lửa vươn ra những thành phố từ gạch ngói bằng vàng dài vô tận, được xây bởi Nald’thal và tôi luyện từ sức nóng mặt trời của Azeyma. Nơi đây là điểm dừng chân của những người chính trực, công bằng, trung thực và có tấm lòng bác ái.
Địa ngục của Lửa được hình thành từ những phần gạch vun và đổ nát của không gian thiên đường đẩy xuống vùng Đáy Tăm Tối, sắp xếp một cách cẩu thả. Nơi đây thiêu đốt những kẻ hay cư xử bất công, lừa gạt khách hàng, và những kẻ cho đi hoặc nhận lấy tiền đút lót.
Địa ngục và Thiên đàng của Nước (Thủy Ngục và Thủy Đàng)
Để tạo ra dòng sông chảy xuyên suốt Thiên đường nước, Nymeia đã nung chảy một ngôi sao, Thaliak ban cho tinh chất của tri thức và rót chúng thẳng ra từ cái Vại của Ngài. Nơi đây là điểm dừng chân cho những nhà học giả và nhà phát minh, những người thầy và những doanh nhân.
Từ bề mặt của dòng sông thiêng liêng rơi ra những giọt nước bị chối bỏ xuống Đáy, nơi chúng đọng lại và đứng tĩnh, tạo thành Thủy Ngục. Nơi đây nhấn chìm những kẻ lừa dối, những kẻ làm đồ giả, lang băm và những tiên tri lừa bịp.
Địa ngục và Thiên đàng của Gió (Phong Ngục và Phong Đàng)
Trong Phong Đàng mọc lên những ngọn núi cao chót vót do chính tay Oschon tạo nên. Đứng ở trên đỉnh có thể trông mắt ra thấy biển đại dương rộng lớn của Llymlaen. Nơi đây an nghỉ những nhà du hành và khám phá, những người có tâm cứu giúp người du hành khỏi hiểm nguy.
Những luồng gió khôn xảo từ trên cao kích động những trận bão kinh hoàng trong Đáy, tạo nên Phong Ngục. Tại đây giam giữ và chịu sự tra tấn của gió giật thấu xương từ trong ra ngoài cho đám sơn tặc, những kẻ khinh bỉ đất và nước, và những tên cướp biển.
Địa ngục và Thiên đàng của Băng (Băng Ngục và Băng Đàng)
Tại chính giữa thiên đàng này mọc lên một tòa lâu đài bằng băng, được làm từ những ánh trăng đông lạnh và
đẽo gọt từ ngọn giáo của Cơn Thịnh Nộ. Nơi đây yên nghỉ những vị anh hùng danh tiếng và những kị binh dũng cảm, những người nhân từ và trung thành.
Từ tòa thành lạnh giá của Halone khoan xuyên những viên đá rơi về phía Đáy, tạo nên Băng Ngục. Nơi đây giam giữ những kẻ hèn nhát, những kẻ đào ngũ, và những kẻ gian phụ.
Địa ngục và Thiên đàng của Sét (Lôi Ngục và Lôi Đàng)
Trong Lôi Đàng, mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một tháp đồng hồ tín hiệu được xây bởi Byregot bằng sắt thép đúc từ ngôi sao chổi, và trui rèn từ sấm sét của Rhalgar. Nơi đây an nghỉ cho những kỹ sư và kiến trúc sư, những nhà cách mạng và những người chinh phục cái ác.
Những mảnh vụn từ quá trình trui rèn của ngôi sao chổi rơi xuống Đáy tạo ra Lôi Ngục, một nơi khổ kiếp dành cho những kẻ phá hoại, những kẻ chăn dắt, và những kẻ kích động thù hằn.
Địa ngục và Thiên đàng của Đất (Thổ Ngục và Thổ Đàng)
Để tạo nên Thiên đàng Đất, Nophica trồng một mầm cây nhỏ và được Althyk bẻ cong thời gian để phát triển thành một cây đại thụ. Dưới bóng cây hùng vĩ này là điểm tựa cho những người nông dân và nhà tự nhiên học, nhà lịch sử học và nhà khảo cổ học.
Những chiếc lá rụng khỏi cành cây và mục rữa trong Đáy tạo thành Thổ Ngục. Nơi đây chôn vùi những kẻ trộm cắp và những kẻ khinh bỉ thiên nhiên, những kẻ dối trá và những kẻ không có chủ kiến.
Final Fantasy Fanclub VN